Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo xử lý các dự án yếu kém ngành công thương
Ngày 25/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương đã chủ trì phiên họp thứ 13 Ban Chỉ đạo.
Tham dự phiên họp có các thành viên của Ban chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, các ngân hàng thương mại và các tập đoàn, tổng công ty liên quan.
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã nghe các thành viên Ban Chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị và tập đoàn, tổng công ty báo cáo, đề xuất, làm rõ các nội dung liên quan đến việc xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương tới từ trước đến nay, trong đó có việc phân loại thành các nhóm đối với 12 dự án theo các tiêu chí để có phương án xử lý cụ thể; đề xuất các phương án xử lý đối với các nhóm dự án, doanh nghiệp sau khi được phân loại; đồng thời cho ý kiến về phương án xử lý đối với 3 dự án của Tập đoàn Hóa chất là DAP-2 Lào Cai, Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, thời hạn phải hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém đối với các dự án là tới hết năm 2020 (trường hợp phải kéo dài, không quá nửa đầu năm 2021).
Trong quá trình xử lý, Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, doanh nghiệp đã hết sức nỗ lực, khẩn trương triển khai các công việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, đã tổ chức 13 phiên họp để chỉ đạo việc xử lý 12 Dự án, trong đó trong năm 2020, đã tổ chức 5 phiên họp của Ban Chỉ đạo với quyết tâm rất lớn, chỉ đạo kiên quyết, liên tục tập trung tháo gỡ, rốt ráo xử lý những vấn đề được coi là nút thắt lớn nhất trong xử lý 12 dự án.
Đến nay, kết quả đạt được đáng khích lệ, các nội dung đã cơ bản được hoàn thành, được chỉ đạo xử lý tháo gỡ như đưa 3 dự án ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý của Ban Chỉ đạo là Nhà máy sản xuất phân bón DAP-1 Hải Phòng, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước. Đồng thời, vướng mắc trong quyết toán Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) đã được xử lý.
Đề xuất phương án mới, khả thi hơn phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương để xử lý đối với dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đang được nghiên cứu. Ban Chỉ đạo đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón bảo đảm công bằng giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu; chỉ đạo quyết liệt việc xử lý vướng mắc tranh chấp hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công (EPC), chưa quyết toán được dự án của 5 dự án (DAP-2 Lào Cai, Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, TISCO-2, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất).
Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty tiếp tục khẩn trương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ đã được giao tại các Thông báo Kết luận của Ban Chỉ đạo vừa qua, bảo đảm triển khai thực hiện yêu cầu nhiệm vụ theo đúng tiến độ đã được đề ra.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu xác định hướng xử lý cụ thể đối với từng dự án, bám sát quan điểm xử lý dự án theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Đề án 1468 trên tinh thần kiên quyết xử lý theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp; tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình thực hiện các chủ trương, giải pháp xử lý các dự án, doanh nghiệp (cần rà soát, làm rõ xem các lãnh đạo doanh nghiệp đã làm hết trách nhiệm, nhiệm vụ mà Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo hay chưa để nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các doanh nghiệp trong xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém này). Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp; xử lý dứt điểm việc tranh chấp hợp đồng EPC, tái cơ cấu theo hướng ưu tiên các phương án bán, thoái vốn, đồng thời kiên quyết cho thực hiện phá sản, giải thể đối với các dự án, doanh nghiệp không có khả năng khắc phục,…
Ban Chỉ đạo đã tổng hợp các nội dung chỉ đạo để hoàn thiện phương án xử lý cụ thể (bao gồm cả phương án bán, phá sản…), kèm theo thời hạn thực hiện đối với các dự án, báo cáo Chính phủ và trình Bộ Chính trị kết quả triển khai Đề án 1468 và kết quả hoàn thành việc xử lý theo Đề án 1468 trong nửa đầu năm 2021; xác định rõ phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền của Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành trong chỉ đạo tháo gỡ các vấn đề vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách và hướng xử lý đối với các dự án để bảo đảm quan điểm xử lý theo chỉ đạo của Bộ Chính trị là không làm thay cho doanh nghiệp, trách nhiệm chính về tái cơ cấu, xử lý các dự án thuộc về các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án và trách nhiệm chỉ đạo, giám sát là của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Ba dự án của Tập đoàn Hóa chất là DAP-2 Lào Cai, Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình đều đang có tranh chấp hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công và chưa quyết toán được dự án hoàn thành, có số dự nợ phải trả cho ngân hàng rất lớn, càng hoạt động càng tăng thêm lỗ…
Trên cơ sở ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cùng Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chủ trì làm việc với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, các ngân hàng thương mại và các cơ quan, đơn vị hữu quan tính toán cụ thể các phương án xử lý đối với 3 dự án nói trên, xem xét tổng thể các phương án tái cơ cấu khả thi, giảm thiểu tổn thất vốn và tài sản của Nhà nước… Trên cơ sở đó lựa chọn, đề xuất phương án xử lý khả thi từng dự án, doanh nghiệp kèm thời hạn, tiến độ thực hiện và các điều kiện cơ chế kèm theo có tính khả thi, báo cáo Ban Chỉ đạo trong tháng 1/2021.
Ngày 25/12, Việt Nam thêm 6 ca mắc mới COVID-19
Tính đến 18 giờ ngày 25/12, Việt Nam ghi nhận thêm 6 ca mắc mới COVID-19, đều là ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Ca bệnh 1434 (BN1434) tại Trà Vinh: Nam, 28 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại phường Lê Lợi, TP. Vinh, Nghệ An.
Ca bệnh 1435 (BN1435) tại Trà Vinh: Nữ, 44 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, Trà Vinh.
Ngày 22/12, các bệnh nhân trên từ Anh nhập cảnh Sân bay Cần Thơ trên chuyến bay VN50, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Trà Vinh. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 23/12, các bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Trà Vinh. Trước đó trên chuyến bay này đã ghi nhận 4 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, được cách ly ngay tại Vĩnh Long.
Ca bệnh1436 (BN1436) tại Hà Nội: Nam, 44 tuổi, là chuyên gia, quốc tịch Brazil. Ngày 24/12, bệnh nhân từ Qatar nhập cảnh Sân bay Nội Bài trên chuyến bay QR8954, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Hà Nội. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 25/12 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Ca bệnh 1437 (BN1437) tại Hưng Yên: Nam, 38 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh.
Ca bệnh 1438 (BN1438) tại Hưng Yên: Nam, 37 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Ca bệnh 1439 (BN1439) tại Hưng Yên: Nữ, 29 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại xã Trực Hùng, Trực Ninh, Nam Định.
Ngày 18/12, các bệnh nhân trên từ Đức nhập cảnh Sân bay Quốc tế Vân Đồn trên chuyến bay VN5036, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Hưng Yên. Kết quả xét nghiệm ngày 24/12, các bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Trước đó trên chuyến bay này đã ghi nhận 2 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, được cách ly ngay tại Hưng Yên.
Tính đến 18 giờ ngày 25/12, Việt Nam có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 553 ca
TP Hồ Chí Minh: Hơn 340 tuyến đường hạn chế thi công trong năm 2021
Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh vừa ban hành danh mục 343 tuyến đường, đoạn đường hạn chế thi công đào đường trong năm 2021, trên cơ sở đánh giá hiện trạng các tuyến đường đang khai thác tốt và mới nâng cấp sửa chữa, cần được duy trì để sử dụng lâu dài.
Theo đó, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra danh mục 188 tuyến đường do sở quản lý và 155 tuyến do UBND quận, huyện quản lý hạn chế đào đường trong năm 2021.
Các tuyến đường, đoạn đường thuộc danh mục này được phép thi công xử lý các sự cố đột xuất về kỹ thuật nhưng phải chấp hành theo các quy định của UBND TP Hồ Chí Minh về thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo bệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố. Những trường hợp cấp bách, cần thiết phải thi công đào đường trên các tuyến này, sẽ do Sở Giao thông Vận tải thành phố, UBND các quận huyện xem xét giải quyết theo phân cấp.
Trong danh mục này, có các tuyến Quốc lộ 1 (đoạn cầu Đồng Nai đến ranh Long An), Quốc lộ 1K (nút giao Linh Xuân đến ranh Bình Dương), Quốc lộ 13 (từ Xô Viết Nghệ Tĩnh đến Quốc lộ 1), Quốc lộ 22 (vòng xoay An Sương đến ranh Tây Ninh), Quốc lộ 50 (cầu Nhị Thiên Đường đến ranh Long An) là tuyến đường trục chính, có mật độ lưu thông cao; các tuyến Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Phạm Văn Đồng, Xa lộ Hà Nội, Kinh Dương Vương là các tuyến đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.
Trong ngày 25/12, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng thông báo tạm ngưng thi công có tổ chức đào đường, vỉa hè trong phạm vi kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố trong dịp Tết Dương lịch, thời gian từ ngày 31/12/2020 đến hết ngày 1/1/2021.
Chủ đầu tư tất cả các công trình trên đường bộ có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công đào đường, vỉa hè, khẩn trương tái lập toàn bộ các đoạn đang thi công, hoàn thành trước ngày 31/12. Các công trình thi công có rào chắn chiếm dụng mặt đường đang khai thác được phép tồn tại hàng rào, nhưng phải thu gọn hàng rào công trường, vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ khu vực công trường thi công.
Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt bị tuyên phạt tù chung thân
Sau 5 ngày xét xử, chiều 25/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án đối với 7 bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (viết tắt là Công ty Liên Kết Việt).
Theo đó, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với các bị cáo gồm: Lê Xuân Giang (sinh năm 1971, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Liên Kết Việt) tù chung thân; Lê Văn Tú (sinh năm 1985, Tổng Giám đốc Công ty Liên Kết Việt) 17 năm tù; Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1970, Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên Kết Việt) 18 năm tù; bốn thành viên nhóm phát triển thị trường Công ty Liên Kết Việt - Lê Thanh Sơn (sinh năm 1988) và Trịnh Xuân Sáng (sinh năm 1975) đều 16 năm tù; Nguyễn Xuân Trường (sinh năm 1967) 14 năm tù và Vũ Thị Hồng Dung (sinh năm 1974) 13 năm tù.
Bản án sơ thẩm nêu rõ, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiết bị y tế BQP và Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (gọi tắt là Công ty BQP và Công ty Liên Kết Việt) đều do Lê Xuân Giang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và là người đại diện theo pháp luật. Lợi dụng Công ty Liên Kết Việt được cấp giấy phép kinh bán hàng đa cấp đối với các sản phẩm hàng hóa do Công ty BQP sản xuất, từ tháng 4/2014 đến tháng 11/2015, các bị cáo Lê Xuân Giang (Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty), Lê Văn Tú (Tổng Giám đốc công ty), Nguyễn Thi Thủy (Trưởng nhóm Quản lý phát triển thị trường, kiêm Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh), Lê Thanh Sơn, Trịnh Xuân Sáng, Vũ Thị Hồng Dung và Nguyễn Xuân Trường (các thành viên Nhóm Quản lý phát triển thị trường) đã sử dụng thủ đoạn gian dối, tạo dựng, cung cấp thông tin sai lệch cho các bị hại để tạo lòng tin về hoạt động kinh doanh của Công ty Liên Kết Việt và Công ty BQP, như: Công ty Liên Kết Việt là công ty con của Công ty BQP; Công ty BPQ là công ty của Bộ Quốc phòng, Lê Xuân Giang và các lãnh đạo của công ty là cán bộ của Bộ Quốc phòng; các sản phẩm kinh doanh là sản phẩm liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, cơ quan uy tín của Bộ Quốc phòng; Công ty Liên Kết Việt và Công ty BQP là những doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật, có lợi nhuận cao, có nhiều đóng góp với xã hội nên được lãnh đạo Nhà nước, được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá cao, ghi nhận qua việc được Thủ tướng Chính phủ và UBND Thành phố Hồ Chí Minh tặng Bằng khen cho công ty và cho các lãnh đạo của công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện... Tuy nhiên, thực chất các bằng khen, giấy chứng nhận đều do chính Lê Xuân Giang đặt làm giả.
Sau khi tạo lòng tin về Công ty Liên Kết Việt và Công ty BQP, Lê Xuân Giang, Lê Văn Tú, Nguyễn Thị Thủy, Lê Thanh Sơn, Trịnh Xuân Sáng, Vũ Thị Hồng Dung và Nguyễn Xuân Trường đã sử dụng những thủ đoạn gian dối, trái pháp luật để lôi kéo các bị hại bỏ tiền tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp của Công ty Liên Kết Việt nhằm hưởng hoa hồng, tiền thưởng cao do chế độ trả thưởng, các chương trình khuyến mại trái pháp luật do các bị cáo này đặt ra.
Để lôi kéo, chiếm đoạt được nhiều tiền của các bị hại đóng vào, Công ty Liên Kết Việt đã đặt ra những quy định trái pháp luật về hoạt động bán hàng đa cấp như: chỉ cần đóng tiền vào Công ty Liên Kết Việt mà không cần lấy hàng hóa ra để kinh doanh là có thể trở thành nhà phân phối của công ty, một người có thể đứng tên nhiều mã hàng.
Lê Xuân Giang và các đồng phạm đặt ra mô hình trả thưởng theo hình kim tự tháp, lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước, từ tiền của người tham gia mới, từ những khoản tiền của những người tham gia trong mạng lưới đa cấp của Công ty Liên Kết Việt mà không phải từ hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp. Số tiền thưởng, tiền hoa hồng hứa hẹn sẽ trả cho các nạn nhân lên tới trên 65% tổng số tiền thu được của chính các bị hại.
Tổng cộng, Lê Xuân Giang cùng các đồng phạm đã lừa đảo, chiếm đoạt của hơn 68.000 người là trên 1.121 tỷ đồng. Đến nay, cơ quan điều tra đã xác định được 6.053 người bị hại trong vụ án, có đầy đủ thông tin địa chỉ, đã nộp cho Công ty Liên Kết Việt hơn 584 tỷ đồng. Sau khi trừ đi số tiền họ được trả thưởng hoa hồng, số hàng hóa họ nhận, số tài sản được nhận thưởng… còn lại Lê Xuân Giang cùng đồng phạm đã chiếm đoạt của 6.053 bị hại là hơn 391 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử nhận định, các bị cáo trong vụ án đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tâm lý hám lợi của một bộ phận người dân để tuyên truyền, quảng bá sai sự thật, đưa ra một số sản phẩm kém chất lượng, giá rẻ để trao đổi; thực hiện hành vi lừa đảo với quy mô đặc biệt lớn, có tổ chức, hoạt động công khai, trên phạm vi 49 tỉnh, thành phố; đã xâm hại đến tài sản đặc biệt lớn của rất nhiều người, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác; gây mất trật tự trị an, an toàn xã hội; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Hành vi đó còn làm giảm lòng tin của nhân dân vào các cơ quan nhà nước. Do đó, việc khởi tố, truy tố, xét xử và áp dụng hình phạt tù nghiêm khắc đối với các bị cáo là cần thiết, nhằm cải tạo, giáo dục các bị cáo và có tác dụng đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm nói chung.
Các bị cáo có sự phân công, phân nhiệm, tạo thành chuỗi các mắt xích, gắn kết, bổ trợ cho nhau cùng thực hiện hành vi phạm tội nên hành vi phạm tội của các bị cáo thuộc trường hợp tăng nặng “Phạm tội có tổ chức”. Các bị cáo nhiều lần lừa đảo chiếm đoạt của hàng chục ngàn lượt người, với số tiền rất lớn, nên các bị cáo đều phạm tội thuộc trường hợp nặng “Phạm tội 2 lần trở lên”.
Trong số các bị cáo, Lê Xuân Giang bị Hội đồng xét xử xác định là người chủ mưu, cầm đầu; chỉ đạo các đồng phạm thực hiện toàn bộ hành vi, thủ đoạn nhằm chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của rất nhiều người. Bị cáo Giang là người sử dụng phần lớn số tiền chiếm đoạt được nên bị cáo phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án.
Bị cáo Nguyễn Thị Thủy là người chỉ huy nhóm tham mưu cho Lê Xuân Giang, trực tiếp đưa ra những cách thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền của các bị hại; Thủy cũng là người tham gia tổ chức thực hiện vai trò tích cực sau Giang. Lê Văn Tú là cháu ruột của Lê Xuân Giang, giúp Giang quản lý điều hành sản xuất tại Công ty BQP, tham gia một số công việc tại Công ty Liên Kết Việt; tham gia xây dựng, phê duyệt cách thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền; tổ chức thực hiện tích cực…
Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử đã dành quyền khởi kiện cho tất cả những người đã nộp tiền cho Công ty Liên Kết Việt và còn bị chiếm đoạt trong vụ án để yêu cầu bị cáo Lê Xuân Giang phải hoàn trả, bồi thường thiệt hại khi có yêu cầu theo thủ tục tố tụng dân sự.
Khởi tố hai đối tượng lừa 'chạy án' với giá 5 tỷ đồng
Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Cần Thơ) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong trường hợp người bị bắt giữ khẩn cấp đối với Lê Nguyễn Trần Huấn (sinh năm 1969, trú tại phường An Phú, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) và Lâm Quế Mẫn (sinh năm 1967, trú tại Phường 8, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Điều 174 - Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Cần Thơ) cũng đã ra lệnh khám xét nơi ở của bị can Huấn tại phường An Phú, quận Ninh Kiều ngày 24/12.
Các quyết định, lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ phê chuẩn. Trong khi khám xét nơi ở của Lê Nguyễn Trần Huấn cơ quan Công an đã thu giữ nhiều tang vật có liên quan đến hành vi phạm tội của Huấn và Mẫn.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Cần Thơ) thụ lý điều tra, làm rõ vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” xảy ra tại mỏ khai thác cát của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sao Mộc thuộc phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, liên quan đến ông Phạm Thanh Hải (sinh năm 1970, trú tại phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang).
Trong thời gian này, Huấn và Mẫn biết ông Hải đang tìm người giúp đỡ để không bị xử lý hình sự và được trả lại phương tiện đang bị tạm giữ nên đã tự nhận có mối quan hệ với lãnh đạo Công an thành phố, Viện Kiểm sát thành phố, hứa có thể lo vụ này với giá 5 tỷ đồng. Ông Hải đồng ý và đưa 5 tỷ đồng, tuy nhiên, Huấn và Mẫn không thực hiện lời hứa, cắt liên lạc với ông Hải.
Ngày 14/10/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Cần Thơ) đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Hải về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”, quy định tại Điều 227 - Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Biết mình bị lừa, ông Hải làm đơn tố cáo Lê Nguyễn Trần Huấn và Lâm Quế Mẫn.
Cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ vụ án theo quy định của pháp luật.