Bởi ngay khi Quy chuẩn 06 có hiệu lực, cơ quan quản lý Nhà nước đã nhận được nhiều phản hồi về những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến việc hoàn thành, đáp ứng quy định của nhiều công trình xây dựng. Cùng với việc giải tỏa các “ách tắc”, có thêm điểm mới khi soạn thảo sửa đổi Quy chuẩn 06 đưa ra là sẽ tách riêng nhóm công trình nhà ở riêng lẻ để đưa vào áp dụng theo Tiêu chuẩn quốc gia chứ không “gom” chung vào Quy chuẩn quốc gia như trước. Vậy khi xây dựng tiêu chuẩn riêng cho nhà ở riêng lẻ liệu có giúp gia tăng yếu tố an toàn trong phòng cháy?
Thực tế đang đặt ra vấn đề, nếu để nhóm công trình nhà ở riêng lẻ áp dụng chung theo Quy chuẩn Quốc gia 06 thì khả năng đáp ứng về an toàn cháy gần như khó đạt bởi yêu cầu quá cao. Thế nhưng, khi tách ra để xây dựng theo tiêu chuẩn riêng thì liệu có đảm bảo tính an toàn? đây cũng là câu chuyện mà các nhà quản lý, cơ quan xây dựng hành lang pháp lý về nội dụng này phải đau đầu cân nhắc.
Trong phiên thảo về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra hồi tháng 5/2023, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã khẳng định, so sánh với một số quốc gia khác, các quy chuẩn về an toàn cháy cho nhà và công trình tại Việt Nam là quy định an toàn cốt lõi, không cao, thậm chí ở mức độ trung bình thấp. Các quy định mới chủ yếu mở rộng đối tượng, bổ sung nhiều giải pháp, lựa chọn cho công trình. Yêu cầu an toàn cháy của quy chuẩn được quy định rõ theo từng nhóm, quy mô, tính nguy hiểm cháy, công năng sử dụng.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng khẳng định, không áp dụng Quy chuẩn 06 cho nhà ở riêng lẻ từ 6 tầng trở xuống. Theo Bộ trưởng, vướng mắc xảy ra khi áp dụng Quy chuẩn 06 cho công trình nhà ở riêng lẻ chuyển đổi mục đích sử dụng không đảm bảo về hạ tầng như giao thông, điện nước, không gian kiến trúc...
Ông Cao Duy Khôi – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (IBST) – đơn vị được giao trực tiếp lập dự thảo sửa đổi Quy chuẩn 06 cho biết, dù mới có hiệu lực từ giữa tháng 1 nhưng vẫn có một số nội dung cần điều chỉnh theo yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng cũng như đòi hỏi thực tế. Điểm thay đổi lớn nhất khi sửa Quy chuẩn 06 là điều chỉnh phạm vi áp dụng. Các nhà ở kết hợp kinh doanh chiều cao dưới 25m được đề nghị đưa sang tiêu chuẩn nhà ở kết hợp kinh doanh.
Lý do là các loại hình nhà ở này khi xây dựng thường là nhà ở riêng lẻ. Sau đó, cải tạo kinh doanh nên khó đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Quy chuẩn, Tiêu chuẩn. Trong khi đó, cũng không thể vì “ách tắc” của nhóm công trình này mà phá vỡ hệ thống, cấu trúc, nguyên lý chung của Quy chuẩn để đáp ứng riêng cho các đối tượng này – ông Khôi phân tích.
Bên cạnh đó, ông Khôi cũng dẫn chứng số liệu thống kê kể từ khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực từ 4/10/2001 đến hết năm 2022, cả nước có 38.140 trên tổng số 1.182.722 công trình, cơ sở chưa đáp ứng quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC), chiếm khoảng 3,22%; trong đó có tới 66,74% cơ sở không thuộc diện thẩm duyệt về PCCC. Đáng chú ý, tính riêng trong số 38.140 cơ sở chưa đáp ứng quy định PCCC thì nhóm công trình dân dụng chiếm đa phần với 40,8% thuộc về cơ sở kinh doanh, lưu trú.
Từ thực tế của các vụ cháy nhà ở riêng lẻ diễn ra liên tiếp thời gian qua gây hậu quả nặng nề và nghiêm trọng về người và tài sản mà vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội là điển hình đã gióng lên hồi chuông báo động đỏ về an toàn PCCC tại nhóm công trình nhà ở riêng lẻ; trong đó, chung cư mini “núp danh” để “né” quy định khắt khe về PCCC.
Chuyên gia pháp lý Nguyễn Văn Đỉnh phân tích, bản chất chung cư mini không khác chung cư thường nhưng là quy mô nhỏ hơn. Chung cư này có nhiều chủ sở hữu và cũng có các trang thiết bị riêng rất phức tạp. Tuy nhiên, nó lại đang tồn tại dưới hình thức nhà ở riêng lẻ nên hình thức đầu tư chỉ là cấp giấy phép xây dựng theo kiểu nhà ở riêng lẻ.
Nhờ đó, chủ sở hữu của các tòa nhà này dễ dàng bỏ qua được hàng loạt thủ tục khó có thể đáp ứng mà chung cư thông thường đang phải áp dụng. Trong khi đó, diện tích thì nhỏ nhưng chung cư mini lại đang vận hành với số hộ dân sinh sống đông. Nếu tính mật độ dân số trên diện tích sử dụng của chung cư mini rất cao nhưng lại không bị quản lý bởi cơ quan chức năng. Đặc biệt, khâu PCCC lại “nới lỏng” hơn nhiều vì với loại hình nhà ở riêng lẻ thì yêu cầu về PCCC chỉ là khuyến cáo, chứ không bắt buộc.
Theo ông Cao Duy Khôi, với loại hình nhà ở riêng lẻ, việc bố trí lối ra khẩn cấp rất quan trọng. Bởi trên thực tế, đã số vụ hỏa hoạn có xảy ra chết người là do nạn nhận không chạy ra lối thoát nạn được, ví dụ như lối ra bên cạnh tòa nhà, logia, ban công, sân thượng, mái…
Chuyên gia này khuyến cáo, cần chú trọng yếu tố an toàn thoát nạn. Đơn cử như với nhà cao 3 tầng (khoảng 9m) thì phải có tối thiểu 1 lối thoát nạn. Còn công trình cao hơn phải bố trí lối ra khẩn cấp ở ban công, mái…; khuyến khích các công trình nhà ở riêng lẻ dù nhỏ hay lớn đều nên có lối ra khẩn cấp ở các tầng và mái nhà để khi xảy ra hỏa hoạn thì lực lượng cứu hộ tiếp cận được dễ dàng để giải cứu.
Dự kiến, tại dự thảo "Tiêu chuẩn Quốc gia về Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung để thiết kế" do Bộ Xây dựng đang nghiên cứu soạn thảo sẽ có mục riêng dành cho yêu cầu về an toàn cháy đối với nhà ở riêng lẻ sử dụng với mục đích để ở; trong đó, yêu cầu thiết kế an toàn cho nhà ở riêng lẻ phải tuân thủ quy định trong TCVN 2622 và quy định hiện hành.
Cùng đó là những yêu cầu cụ thể về thoát nạn, ngăn cháy lan, thiết bị báo cháy, chữa cháy và cấp nước chữa cháy... Với nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh hoặc các mục đích dân dụng khác thì ngoài yêu cầu chung phải đáp ứng như nhóm nhà ở riêng lẻ sử dụng với mục đích để ở sẽ buộc phải tuân thủ thêm những quy định riêng.
Ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho rằng, từ vụ việc cháy nghiêm trọng vừa xảy ra ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm sớm ban hành quy định có liên quan về PCCC.
Nếu còn khe hở của pháp luật thì nhanh chóng hoàn thiện, bổ sung. Việc ban hành các quy định cần kỹ hơn, chi tiết hơn để triển khai ra cuộc sống thuận lợi và hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý, Quy chuẩn, Tiêu chuẩn về PCCC cũng không thể vì tập trung tháo gỡ vướng mắc mà xem nhẹ yếu tố an toàn trong phòng cháy.
Cùng đó, khâu thanh kiểm tra của các địa phương cũng rất quan trọng. Nhất là thời gian qua, các vi phạm về cấp phép, không đảm bảo điều kiện an toàn… đều do địa phương được phân cấp nhưng lại buông lỏng quản lý; trong đó, có vấn đề sai phép xây dựng, tuân thủ quy định về PCCC.