“Tiếng kẻng phòng gian, vây bắt tội phạm” là mô hình tự quản về an ninh trật tự của tổ chức quần chúng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của UBND xã, lực lượng công an và cựu chiến binh đóng vai trò tham mưu, hướng dẫn.
Mô hình này được xây dựng trên địa bàn xã Thiệu Vân, trong đó mỗi đơn vị, thôn, xóm là một tổ tự quản. Mỗi thành viên của các tổ tự quản là các hộ gia đình sống trong các thôn, tự nguyện tham gia mô hình này.
Để thực hiện mô hình này, UBND xã Thiệu Vân đã thành lập ban chỉ đạo gồm 15 người do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban chỉ đạo. Trưởng thôn chịu trách nhiệm trực tiếp điều hành tổ tự quản. Mỗi thành viên khi tự nguyện tham gia mô hình được quyền tự trang bị một gậy tre, dây thừng và đèn pin.
Buổi diễn tập tình huống mô hình: “Tiếng kẻng phòng gian, vây bắt tội phạm” ở thôn 2 xã Thiệu Vân. |
Mục đích của việc ra mắt mô hình trên nhằm củng cố, nâng cao hiệu quả của phong trào tự quản về ANTT nói chung, phòng chống tội phạm trộm cắp nói riêng. Thông qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ý thức cộng đồng của cán bộ, đảng viên và người dân trong xã, nhằm ổn định ANTT; giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân trên địa bàn xã.
Lấy công an làm lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện xây dựng mô hình, chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu cho ban chấp hành Đảng ủy, UBND, Ban chỉ đạo ANTT xã, các đơn vị thôn về nội dung và các bước thực hiện xây dựng mô hình “Tiếng kẻng phòng gian, vây bắt tội phạm” đạt kết quả cao nhất.
Lấy vận động quần chúng là biện pháp trọng tâm, xuyên suốt, tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục trong quá trình triển khai rộng rãi, đồng bộ để mọi người dân hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng mô hình gắn liền với sự tin tưởng về ANTT trong khu dân cư và gia đình.
Đồng thời, phối hợp với MTTQ và các đoàn thể, các đơn vị ở 8 thôn làm tốt công tác phối hợp và tuyên truyền sâu rộng trong nhâ dân, để nhân dân hiểu và tự giác tham gia thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện, lực lượng công an từ thôn đến xã làm tốt công tác tham mưu và là lực lượng nòng cốt trong giải quyết, xử lý các tình huống về ANTT, phải thống nhất đảm bảo đúng quy trình, khi có vụ việc xảy ra, phải kiên quyết bắt và xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm, cấp cứu người bị nạn, dẫn giải, quản lý đối tượng theo đúng quy trình, không để nhân dân đánh đập đối tượng và hủy hoại tài sản.
Ông Ngô Đức Nam, Phó bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Thiệu Vân, chia sẻ: mô hình “Tiếng kẻng phòng gian, vây bắt tội phạm” là mô hình tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, tính tích cực của nhân dân, không có sức mạnh nào bằng sức mạnh của nhân dân tập hợp được sức dân một cách toàn diện, không phân biệt nam, nữ, già, trẻ.
Trong đó nhiều cụ già trên 70 tuổi và các em ở tuổi thiếu niên vẫn tích cực tham gia vào mô hình này. Khi người dân đã đồng tâm hiệp lực thì bọn tội phạm cũng phải sợ. Giúp cho thôn, xóm bình yên, để bà con yên tâm sản xuất và sinh sống. Trong tháng 3 vừa qua, xã đã tổ chức diễn tập thành công, huy động cả cộng đồng tham gia vây bắt tội phạm phòng ngừa kẻ gian.
Thiệu Vân là một xã thuần nông, được sáp nhập về TP Thanh Hóa từ tháng 07/2012, theo nghị định của Chính phủ. Trong nhiều năm qua, đi đôi với sự phát triển kinh tế - xã hội, tình hình ANTT tại địa phương vẫn giữ được ổn định.
Tuy nhiên, do đặc điểm là xã thuần nông, ruộng ít, người đông nhiều hộ dân thường xuyên đi làm ăn xa ở các tỉnh, để lại bố mẹ già, con nhỏ ở nhà. Đây chính là điều kiện thuận lợi để tội phạm lợi dụng hoạt động chủ yếu là các đối tượng trộm cắp, cướp giật từ nơi khác đến. Nên việc xây dựng mô hình “Tiếng kẻng phòng gian, vây bắt tội phạm” rất sát hợp với tình hình ở địa phương.
Kiên quyết không thể để tôi phạm lợi dụng những sơ hở để lộng hành, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong xã đối với nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” Đảng ủy xã Thiệu Vân đã họp bàn và thống nhất xin chủ trương của Thành ủy, HĐND, UBND TP Thanh Hóa để thực hiện mô hình “Tiếng kẻng phòng gian, vây bắt tội phạm” đã được Đảng bộ và nhân dân trong xã bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2017.
Thông qua mô hình “Tiếng kẻng phòng gian, vây bắt tội phạm”, từng hộ gia đình trên địa bàn có trách nhiệm giáo dục con em, người thân trong gia đình, chấp hành nghiêm pháp luật và các quy định của địa phương, nâng cao vai trò trách nhiệm đối với thôn xóm và cộng đồng dân cư.