Từ năm 2005 đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đã vận động được trên 111,3 tỷ đồng để tặng hàng trăm suất quà, xây dựng và sửa chữa 599 “Mái ấm da cam”, trao tặng 703 xe lăn, hỗ trợ vốn cho 395 hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin…
Điển hình như Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Châu Thành đã vận động được 19,7 tỷ đồng (từ năm 2007 đến nay) để giúp hàng trăm lượt nạn nhân chất độc da cam/dioxin có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Các cấp hội trong huyện tặng 59.374 suất quà; xây tặng 24 “Mái ấm da cam”; tặng 34 xe lăn, xe lắc; hỗ trợ vốn cho những gia đình nạn nhân có điều kiện sản xuất, giúp họ cải thiện trong cuộc sống…
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Tân Phước luôn chú trọng công tác vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ hội viên vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, Hội đã vận động được 825 triệu đồng để xây 4 “Mái ấm da cam”, tổng kinh phí 260 triệu đồng, tặng các gia đình hội viên Bùi Thị Diễm Phượng (xã Tân Hòa Tây), Nguyễn Thị Hồng (xã Phước Lập), Nguyễn Văn Đức (xã Phú Mỹ) và Phạm Thị Bé (xã Tân Lập 1); hỗ trợ vốn buôn bán nhỏ cho 5 hộ gia đình hội viên (10 triệu đồng/hộ)…
Ngoài ra, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang còn hỗ trợ, tạo sinh kế cho các gia đình hội viên từ nguồn vốn của Trung ương Hội, giúp nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin có điều kiện sản xuất, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống. Điển hình, hộ ông Huỳnh Văn Y (ấp Bà Lắm, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông) được hỗ trợ vốn 10 triệu đồng nuôi dê, trồng sả; nay gia đình ông có cuộc sống ổn định. Gia đình ông Nguyễn Văn Trương (ấp Bãi Bùn, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông) được hỗ trợ vốn 10 triệu đồng để phát triển nghề mộc, đầu tư nuôi gà… tăng thu nhập. Gia đình ông Trương Văn Thường (ấp 3, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy đã được hỗ trợ 10 triệu đồng từ Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam để chăn nuôi bò sinh sản, ổn định cuộc sống…
Tiền Giang hiện có 12.000 người nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có 10.657 người được hưởng trợ cấp hàng tháng của Nhà nước. Hầu hết các gia đình nạn nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng.
Bà Trần Thị Quý Mão, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết: Phát huy truyền thống “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin”, thời gian tới, các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục củng cố, xây dựng tổ chức Hội, nâng chất lượng hoạt động Hội các cấp trên cơ sở thực hiện tốt Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Đặc biệt, các cấp Hội sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đa dạng hóa nội dung, phương thức vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin; tăng cường công tác tham mưu để người bị nhiễm chất độc hóa học này có đủ điều kiện được hưởng chính sách trợ cấp của Nhà nước…