Trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng người có công tỉnh Thái Bình những ngày đầu hè 2012, bầu trời như sáng sửa hơn hòa niềm vui với người thương binh đặc biệt nhất ở đây. Đó là anh Lê Ngọc Luých, thương binh hạng 1/4. Sau gần 10 năm nằm liệt trong nhà, đây là lần đầu tiên anh được ra ngoài, tắm mình trong ánh nắng sớm và trò chuyện, tiếp xúc với đồng đội, bạn bè… trên chiếc xe lắc đã được cải tiến.
Anh thương binh Lê Ngọc Luých đang được dìu lên chiếc xe thương binh mới. |
Anh bộc bạch: "Đối với những thương binh hạng đặc biệt như tôi thì chiếc xe lăn này chính là thứ cần nhất. Được khám chữa bệnh, được chăm sóc phục hồi sức khỏe đương nhiên là cần thiết rồi. Nhưng ổn định về sức khỏe sẽ chắng có nghĩa lý gì nếu chỉ để nằm im một chỗ, không được cười nói, chủ động giao tiếp với mọi người, đồng loại, được sống cuộc đời một con người!".
Thương binh (TB) Lê Ngọc Luých, sinh năm 1953, quê Bắc Sơn, Hưng Hà, Thái Bình, nhập ngũ năm 1972, bị thương ở chiến trường Tây Ninh. Anh về sống tại Trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng người có công tỉnh Thái Bình từ năm 1989. Do bị liệt tủy sống nên bệnh của TB Lê Ngọc Luých đã tái phát, biến chứng, gây hoại tử dần từ bàn chân… Năm 2006, anh phải nhập Viện Quân y 108 điều trị suốt 8 tháng ròng với 4 lần phẫu thuật. Cuối cùng, bệnh viện đã phải tháo khớp háng, anh mất toàn bộ phần thân dưới, một cánh tay và hiện anh Luých chỉ có thể nằm vì không còn mông để ngồi. Có được chiếc xe lăn phù hợp với TB Lê Văn Luých thực sự là bắt đầu một cuộc sống mới!
Kể về lịch sử của “đôi chân” mới này của anh Luých, đồng chí Bùi Đình Tư, BS - Giám đốc Trung tâm cho biết: Cách đây hơn 3 tháng, những ngày giáp Tết 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về thăm Trung tâm. Sau khi chúc Tết các thương binh trên hội trường, hỏi và biết tại Trung tâm còn một TB không ra hội trường sinh hoạt chung được vì không có phương tiện di chuyển phù hợp, Phó Thủ tướng đã đề nghị được đến tận phòng TB Lê Ngọc Luých để chúc Tết. Sau đó, ngay tại giường bệnh, Phó Thủ tướng chỉ đạo giao chính quyền tỉnh, huyện, đoàn thanh niên và trung tâm… nghiên cứu để có một phương tiện di chuyển phù hợp cho anh Luých.
Những tháng đầu năm, công việc nối tiếp, lời chỉ đạo của cấp trên tưởng chừng "vụt bay theo gió”. Nhưng rồi một ngày đầu hè, những thương binh nặng tại Trung tâm nuôi dưỡng và chăm sóc người có công Thái Bình được phen sửng sốt khi thấy có cán bộ từ Văn phòng Chính phủ đuợc Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cử về tận nơi xem việc chỉ đạo làm phương tiện di chuyển cho TB Luých kết quả đến đâu. Từ chiếc xe lắc thông thường, Trung tâm đã cải tiến lại, nâng cao lên 20 cm, bằng độ cao của giường để khi chuyển anh Luých vào xe dễ dàng hơn. Chiều dài và rộng chiếc xe cũng được điều chỉnh, đo cắt cho phù hợp thực tế. Chiếc xe có thêm một số bộ phận mới như thanh chắn, thành vịn…
Nhờ chiếc xe, nhưng thương binh nặng đã có thể tự di chuyển được. |
Công việc cải tiến chiếc xe cho phù hợp với TB đặc biệt Lê Văn Luých mất gần 1 tuần và chi phí không quá đắt: 4,355 triệu đồng. Thật ra chiếc xe này còn phải tiếp tục cải tiến cho thực sự thuận tiện; giá như nó được gắn mô tơ điện và có bánh lái… Nhưng có một phương tiện di chuyển như vậy cũng đã làm thay đổi hẳn cuộc sống của một con người. Nó là chiếc cầu nối người TB đặc biệt Lê Ngọc Luých với thế giới xung quanh.
Nằm trên chiếc xe trò chuyện với đồng đội trong phòng sinh hoạt chung của Tung tâm, TB Lê Ngọc Luých chia sẻ: "Tôi không biết nói gì để cảm ơn Đảng, Nhà nước. Nhưng tôi ước sao những đồng đội khác giống như tôi ở khắp nơi trên đất nước này đều có một phương tiện để hòa nhập cộng đồng. Khi tôi nằm chữa bệnh tại Viện Quân y 108, có ba TB khác tại Phú Thọ, Thanh Hóa cũng bị tái phát bệnh và di chứng mất phần hông. Họ không may mắn như tôi, không được gặp Phó Thủ tướng, chưa có xe nên vẫn phải nằm im một chỗ".
Trong câu chuyện thân tình giữa những người đồng đội, TB hạng 1/4 Nguyễn Văn Hiển cùng sống với vợ con tại Trung tâm chen vào: "Không chỉ anh Luých, tôi cũng muốn cảm ơn Phó thủ tướng bởi từ 5 năm trước khi còn là Bộ trưởng ông cũng đã quyết định sẽ phát sách giáo khoa miễn phí cho con em thương binh liệt sĩ trong cả nước, vì thế con tôi đã đuợc tiếp sức, luôn là học sinh giỏi. Hiện cháu đang học học lớp 11. Chúng tôi hiểu ông đã dành cho các cựu chiến binh, thương binh liệt sĩ những tình cảm thật đặc biệt!".
Đại diện Sở Lao động Thương binh Xã hội Thái Bình cho rằng: Việc hỗ trợ phương tiện di chuyển cho TB đặc biệt nên trở thành một phong trào rộng lớn, có thể bắt đầu làm điểm từ Thái Bình vì cùng với Quảng Trị - đây là một địa phương có số TB đông nhất cả nước. Làm như vậy hiệu quả sẽ cao vì món quà đến được trực tiếp và thiết thực đối với đối tượng thụ hưởng.
Đất nước mình, chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm. Những người TB đặc biệt như anh Lê Ngọc Luých không còn nhiều. Họ đều đã nhiều tuổi và thời gian còn lại không được bao nhiêu. Do vậy có lẽ việc cần làm ngay là một cuộc vận động ủng hộ phương tiện di chuyển cho các TB đặc biệt vì đó là thứ cần thiết nhất với các anh, để họ và anh Lê Ngọc Luých đều có thể nhìn ngắm ánh nắng mặt trời mỗi ngày, tận hưởng bầu không khí thân thiện, hòa bình mà họ đã chiến đấu và hy sinh cả tuổi thanh xuân.
Huy Bình