“Thượng bất chính, hạ tắc loạn”

Theo nhận định của chính những “người trong cuộc”, người đứng đầu các cơ sở y tế giữ vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các biện pháp giám sát, nhằm hạn chế sai sót trong quá trình khám chữa bệnh.

 

Xét nghiệm máu tại Bệnh viện Quận 2 (TP.HCM). Ảnh: Phương Vy - TTXVN

 

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch và nhiều chuyên gia y tế khác, hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành rất nhiều quy trình chuyên môn, quy định về giám sát chất lượng trong khám chữa bệnh (KCB) nói chung và trong lĩnh vực xét nghiệm nói riêng. Do đó, người đứng đầu BV giữ một vai trò rất quan trọng. Nếu người lãnh đạo BV nghiêm túc, kiên quyết với thực hiện đúng quy định về tài chính, nghiêm minh đối với những hành vi thiếu trách nhiệm trong thực hiện chuyên môn, lạm dụng xét nghiệm… thì sẽ hạn chế được tối đa sai sót trong khám chữa bệnh.


“Tại Viện Tim mạch, chúng tôi cương quyết không dung túng cho hành động sai trái, lạm dụng kỹ thuật. Ví như, trước khi đưa ra chỉ định chụp mạch vành cho bệnh nhân thì bác sĩ (BS) phải xem xét lâm sàng và kiểm tra rất nhiều thông số... Tất cả thủ thuật trong viện đều do tôi trực tiếp ký. Trường hợp thủ thuật buộc phải thực hiện vào ban đêm, kíp trực phải gọi điện cho tôi và báo cáo trực tiếp các thông số của bệnh nhân. Nếu tôi đồng ý thực hiện thủ thuật đó thì trong hồ sơ bệnh án phải ghi rõ: ‘GS Việt đã nghe và trả lời đồng ý thực hiện thủ thuật này qua điện thoại’. Hôm sau, tôi sẽ kiểm tra lại các thông số mà cán bộ đã báo cáo đêm qua, nếu sai sót ở đâu thì sẽ chấn chỉnh ngay ở đó”, GS Việt cho hay.


Để nâng cao chất lượng chuyên môn, Viện Tim mạch luôn duy trì hoạt động giao ban tại các khoa, phòng và tại Viện. Các ca bệnh khó, nhất là các ca tử vong đều phải báo cáo để rút kinh nghiệm điều trị trong toàn BV. Không chỉ thường xuyên giao ban về chuyên môn, đại diện Viện Tim mạch còn chú trọng việc uốn nắn cán bộ, nhân viên về cách tiên lượng, giao tiếp với người bệnh.


“Bản thân tôi cũng thường xuyên đi buồng, xem xét việc chỉ định y lệnh, nhất là đối với bệnh nhân nặng. Các BS sẽ phải giải thích tại sao lại dùng thuốc này; nếu phát hiện BS có biểu hiện lạm dụng thuốc hoặc có ý đồ với hãng dược thì tôi sẽ trực tiếp uốn nắn…”, GS Việt cho hay.


“Đó chỉ là trường hợp cá biệt, xã hội chớ nên nhìn cán bộ y tế bằng ánh mắt soi mói, hàng vạn đồng nghiệp của chúng tôi đang ngày đêm dồn hết sức lực để cứu sống, điều trị bệnh cho cộng đồng”.

GS.TS Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch

Là người “đứng mũi chịu sào” tại BV Bạch Mai, TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết: Việc xây dựng rất nhiều quy trình kỹ thuật chuyên môn đã giúp BV kiểm soát việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hạn chế lạm dụng thuốc, lạm dụng xét nghiệm…


“Tại BV Bạch Mai, BS kê toa thuốc trên máy tính, nên nếu phát hiện thấy có biểu hiện lạm dụng thuốc thì chúng tôi chấn chỉnh ngay. Với các chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu cũng phải căn cứ theo đúng quy trình điều trị. Bệnh nhân phải có triệu chứng điển hình thì bác sĩ mới chỉ định xét nghiệm, chứ không phải ai vào viện cũng cho đi chụp chiếu…”, TS Quốc Anh khẳng định.


Ngoài ra, BV Bạch Mai cũng rất chú trọng đến việc khắc phục sai sót nhằm rút kinh nghiệm, hạn chế sai sót đã xảy ra. “Nếu muốn BV tốt thì đừng sợ bệnh thành tích, cho nên tại BV Bạch Mai, sai sót dù nhỏ hay lớn, đều được xem xét, rút kinh nghiệm. Với những lỗi nhỏ thì các khoa, phòng xem xét, giải quyết; với những sai sót lớn thì chúng tôi sẽ đưa ra Hội đồng chuyên môn của BV; sau đó sẽ thông báo cụ thể để rút kinh nghiệm toàn BV”, TS Nguyễn Quốc Anh cho biết thêm.


Đưa ra một biện pháp mang tính đột phá trong việc hạn chế sai sót trong xét nghiệm, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng: “Để nâng cao chất lượng và hạn chế sai sót trong xét nghiệm, điều quan trọng là các phòng xét nghiệm phải thực hiện quản lý ISO, đây là điều mà cả thế giới đã thực hiện tuân thủ mà Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc”.


Trên thực tế, muốn xét nghiệm có chất lượng, phải đạt 2 tiêu chuẩn là ISO: 15189-2012 và ISO: 90001-2008. Tức là từ vật tư, nhân lực, trang thiết bị, máy móc, hệ thống nước sạch, điện đến quy trình lấy mẫu, xét nghiệm, trả kết quả, nội kiểm, ngoại kiểm... tất cả phải đạt chuẩn. Việc này không hề đơn giản. Đơn cử như BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, phải mất 5 năm thực hiện mới đạt được 2 tiêu chuẩn ISO trên.


Kinh nghiệm hạn chế lạm dụng xét nghiệm, hạn chế sai sót trong chuyên môn tại những BV đầu ngành nêu trên đều cho thấy trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế là rất quan trọng. Và theo như kiến giải của PGS.TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, để có được những người lãnh đạo có đủ tâm và tài thì trách nhiệm chính thuộc về công tác tổ chức cán bộ. Sau khi bổ nhiệm, các cơ quan chức năng cần phải giám sát, đánh giá toàn diện về cán bộ ở vị trí chủ chốt, kịp thời chấn chỉnh những cá nhân đi “chệch hướng”. Có như vậy mới tránh sai sót nghiêm trọng như đã xảy ra tại BV đa khoa Hoài Đức.

 

Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Theo tôi, những sự cố đáng tiếc gần đây đã bộc lộ yếu kém trong việc đầu tư, phát triển, quản lý của ngành y. Do đó, đây là “cơ hội” để ngành y tế xem xét cách quản lý, xử lý các vụ việc. Nhân đây, Chính phủ, Quốc hội cũng cần xem xét việc đã đầu tư ngân sách cho ngành y đúng mức chưa; các quy định pháp luật cho ngành y đủ chưa?”.

 

Phương Liên - Lê Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN