Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần hạn chế tranh chấp lao động

Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó tổ chức tốt đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể hoặc Công đoàn tham gia xây dựng bảng lương; tổ chức nhiều hoạt động, chương trình phúc lợi tốt giúp cho công nhân, người lao động yên tâm làm việc sẽ góp phần hạn chế tranh chấp lao động. Đây là nhận định của nhiều đại biểu tại tọa đàm “Giải pháp hạn chế tranh chấp lao động tập thể và cá nhân tại cơ sở” do Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 5/5.

Chú thích ảnh
Ông Mai Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Toạ đàm. 

Nhiều đại biểu nhất trí việc xây dựng tốt mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp không chỉ giúp công nhân gắn bó hơn với doanh nghiệp, ổn định cuộc sống, giảm tranh chấp lao động mà còn là động lực làm gia tăng chất lượng lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Với tổ chức Công đoàn, việc xây dựng mối quan hệ đó sẽ giúp đa dạng hóa các phong trào thi đua yêu nước, lao động giỏi, lao động sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước ngày càng khốc liệt.

Nêu lên nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp lao động, Luật sư Lâm Khương Hiển, Hội Luật gia quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc này thường xuất phát từ vi phạm pháp luật, vi phạm hợp đồng hoặc do không hiểu đúng quyền và nghĩa vụ đã được xác lập. Từ đó, dẫn đến những mâu thuẫn, bất đồng không thể tự dàn xếp được giữa cá nhân hoặc tập thể người lao động và người sử dụng lao động liên quan đến quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ lao động.

Theo Luật sư Hiển, hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động, Tòa án nhân dân là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể. Trên thực tế, việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể có thể được thực hiện hiệu quả, tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc bằng công tác phối hợp tuyên truyền, tư vấn pháp luật với  giải quyết tranh chấp lao động. Khi người lao động đã tin vào pháp luật, họ sẽ tự hạn chế sự bức xúc có thể dẫn đến manh động, vi phạm pháp luật. Ngược lại, người sử dụng lao động cần có sự điều chỉnh, khắc phục để giải quyết hợp tình, hợp lý.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Trường, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, phần lớn nguyên nhân các cuộc tranh chấp chủ yếu xuất phát từ người lao động và do doanh nghiệp vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Vì vậy, cán bộ Công đoàn cần tìm hiểu nguyên nhân để có giải pháp đề xuất điều chỉnh kịp thời.

Để hạn chế tranh chấp lao động tập thể và cá nhân, ông Mai Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Tân đề xuất nhiều giải pháp được đúc kết từ thực tiễn tại cơ sở như: Công đoàn cần nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời những kiến nghị, bức xúc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên và người lao động; tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp kéo dài, không để phát sinh điểm nóng; chú trọng nâng cao hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ ở tất cả các loại hình, thực hiện quy chế dân chủ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị...

Điểm qua các vụ tranh chấp lao động tập thể dẫn đến ngừng việc tập thể xảy ra trên địa bàn thành phố trong năm qua, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh khuyến nghị, các cấp Công đoàn cần tập trung tuyên truyền cho cả người lao động lẫn doanh nghiệp; trong đó chú trọng công tác tư vấn, đồng thời thường xuyên cập nhập thông tin, chính sách pháp luật để kịp thời hướng dẫn, giải thích phù hợp tránh để xảy ra mâu thuẫn, xung đột.

Chú thích ảnh
Quang cảnh tọa đàm. 

Trường hợp có vấn đề phát sinh, Công đoàn phải là cầu nối, là trung tâm thống nhất đi đến sự công bằng. Công đoàn cần thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp ngành, chính quyền địa phương; tham mưu thường xuyên với cấp ủy, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm nắm chặt, giải quyết nhanh, hiệu quả góp phần hạn chế tình trạng tranh chấp lao động tập thể hoặc cá nhân...

Cũng tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về thực trạng quan hệ lao động ở từng khu vực khác nhau, những khó khăn, thuận lợi và những kiến nghị; tình hình kiểm tra chấp hành pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, các biện pháp xử lý. Nhiều đại biểu đã chia sẻ quá trình giải quyết tranh chấp lao động tập thể, cá nhân; giải pháp phối hợp giải quyết tranh chấp lao động trong tình hình mới; cơ chế pháp lý theo quy định của bộ luật Lao động năm 2019 về giải quyết tranh chấp lao động tập thể và cá nhân tại cơ sở....

Theo Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2021, địa bàn xảy ra 7 vụ tranh chấp lao động ngừng việc tập thể (giảm 4 vụ so với cùng kỳ) với tổng số người tham gia là 3.696 người (giảm 1.190 người so với cùng kỳ), trong đó, có 3 vụ tranh chấp lao động xảy ra tại các doanh nghiệp trong nước và 4 vụ xảy ra tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tin, ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)
Tháng Công nhân 2022: Tăng lương tối thiểu cũng chính là đầu tư cho sản xuất
Tháng Công nhân 2022: Tăng lương tối thiểu cũng chính là đầu tư cho sản xuất

Việc tăng lương tối thiểu vùng trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế có ý nghĩa to lớn để người lao động tiếp tục cống hiến, đồng hành cùng doanh nghiệp sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN