Xã Thổ Sơn, dưới chân núi Hòn Đất, nơi chị Phan Thị Ràng - nguyên mẫu nhân vật chị Sứ trong tác phẩm Hòn Đất, anh dũng hy sinh, giờ là một xã nông thôn mới (NTM) với nhiều tín hiệu khởi sắc, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Việc triển khai xây dựng NTM nơi đây vẫn còn gian nan, và tiêu biểu cho những vùng quê nghèo ở đồng bằng Sông Cửu Long.
Diện mạo một xã nghèo
Thổ Sơn nằm tựa lưng vào chân núi Hòn Đất, là một trong những xã khó khăn của huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang với khoảng 47% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Hơn 70% người dân sống bằng nghề trồng lúa, số ít còn lại sinh sống bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.
Nuôi gà thả vườn, một mô hình hiệu quả của nông dân An Giang. |
Dọc theo con lộ đất dẫn vào ấp Hòn Quéo, xã Thổ Sơn, chúng tôi bắt gặp những chiếc xe cuốc, xe lu đang thi công mở rộng đường. Đây là một trong số những con đường liên ấp được mở rộng và nhựa hóa từ nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM và huy động từ sức dân. Trong hơn 2 năm thực hiện chủ trương xây dựng NTM, toàn xã đã có thêm khoảng 8 km đường nhựa và một số công trình “điện, đường, trường, trạm” khác, tạo nên những thay đổi đủ để có thể cảm nhận được. Nhưng nếu xét theo bộ tiêu chí về NTM, xã Thổ Sơn hiện chỉ mới đạt được khoảng 8/19 tiêu chí.
Ông Nguyễn Quốc Đoàn, Chủ tịch UBND xã Thổ Sơn, cho biết: Cái khó trong việc xây dựng NTM chính là xuất phát điểm quá thấp và những điều kiện khách quan, tiêu biểu ở những vùng quê nghèo của đồng bằng sông Cửu Long. Bắt tay vào xây dựng NTM, xã Thổ Sơn chỉ có 4 tiêu chí đạt chuẩn, sau hai năm thực hiện cũng chỉ nâng thêm được 4 tiêu chí. Với một địa bàn có đến hơn 47% đồng bào Khmer, chủ yếu sống bằng làm ruộng hai vụ bếp bênh nhờ vào nước trời, và với giá lúa như hiện nay, tiêu chí thu nhập bình quân 20 triệu đồng/người/năm là quá xa vời so với thực tế. Xây dựng NTM lại chính là nhờ vào sức dân, nên với điều kiện thu nhập thấp thì các tiêu chí khác cũng không thể đạt được.
Đó là chưa kể xã nghèo, nguồn kinh phí ít, thiếu quỹ đất để xây dựng công trình nhà văn hóa, nghĩa trang, bãi rác… Muốn đạt được chuẩn NTM thì phải có kinh phí hỗ trợ xã thực hiện các tiêu chí, phải điều chỉnh một số tiêu chí quá cao so với địa bàn. Chẳng hạn như tiêu chí nhà ở nông thôn, hiện nay người dân sống bên dưới chân núi và ven các bờ kênh rạch, nếu yêu cầu kiên cố và bán kiên cố thì người dân khó mà đạt được. Về tiêu chí môi trường, ngoài việc xây dựng nghĩa trang khó khăn do không có quỹ đất, kinh phí cũng như không phù hợp với thói quen của người dân, thì hiện nay, trên địa bàn xã có 7 doanh nghiệp khai thác đá khiến mùa mưa đất kéo xuống đường, mùa nắng thì bụi đá mù trời, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Dù chính quyền xã cũng như người dân đã kiến nghị nhiều lần lên cấp trên, nhưng tình trạng này đến nay vẫn chưa được giải quyết. Các doanh nghiệp khai thác đá đều do tỉnh cấp giấy phép nên xã không thể áp chế tài nào được.
Thu nhập là tiêu chí quyết định
Đứng nhìn các phương tiện xe cộ thi công mở rộng con đường ngay trước mặt nhà mình, chị Hình Ái Nị ở tại ấp Hòn Quéo, xã Thổ Sơn, cũng chưa hình dung ra NTM sẽ là những đổi thay gì và cuộc sống khó khăn của người dân nơi đây sẽ được cải thiện thế nào. Chị chỉ biết cả gia đình chị trông chờ vào 30 gốc xoài, năm nào trúng mùa thì kiếm được khoảng 20 - 30 triệu đồng, thất mùa thì khó khăn trăm bề. Gia đình chị còn có khoảng 2 ha đất lúa, nhưng đặc điểm ở vùng này là trồng lúa 2 vụ, nhờ nước trời nên sản lượng cũng bấp bênh, cộng với giá lúa như hiện nay, 2 ha lúa cũng không làm thay đổi gì nhiều mức sống cơ cực của gia đình.
Không riêng gì người dân ở Thổ Sơn, những nông dân chúng tôi gặp ở ấp 4 xã Tân Thành, TP Cà Mau như ông Chiêm Thanh Tuấn cũng đầy lo lắng khi nghĩ đến kế sinh nhai. Khi hỏi về hiệu quả của chương trình NTM, ông cho biết: Chương trình NTM, trước mắt chúng tôi chưa thấy được hưởng lợi nhiều mà hiện tại giá cá bống tượng và cá chình bị rớt mạnh, nông dân hoang mang, không tìm được đầu ra và không biết hướng đầu tư tiếp theo như thế nào.
Không thể không lo lắng, nông dân cả vùng này đang điêu đứng, mặc dù chỉ một vài năm trước, họ là những nông dân rất thành công với mô hình nuôi cá chình và cá bống tượng. Mùa trước, giá cá bống tượng từ 400 - 450.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 150 -170.000 đồng/kg, bán thì lỗ, nuôi tiếp càng lỗ… những kênh mương, trường trạm đều không thể cứu họ và không thể tạo ra những mô hình sản xuất an toàn, bền vững để nông dân Nam Bộ thoát khỏi điệp khúc được mùa rớt giá…
Sự bấp bênh không chỉ ở những xã nghèo, mà ngay cả xã điểm Mỹ Long Nam - huyện Cầu Ngang tỉnh Trà Vinh, một thời đã trở thành mô hình cho cả nước với sau hơn một năm xây dựng đã đạt 17/19 tiêu chí, nhưng chỉ sau vài vụ tôm bị thiệt hại, mức thu nhập bình quân đã bị kéo xuống đáng kể. Bí Thư tỉnh ủy Trà Vinh, Trần Trí Dũng, trong một cuộc họp sơ kết về xây dựng NTM đã chua xót than rằng: Không lẽ hơn 3 năm đầu tư bao nhiêu tiền của vào xã điểm Mỹ Long Nam, mà sau vài vụ tôm bị thiệt hại, tất cả công sức tiền của đầu tư lại không tạo ra được sự thay đổi đáng kể nào, cũng như không tạo được phương kế bền vững cho người dân trong sản xuất.
Thực tế tại các địa phương cho thấy, việc xây dựng NTM không phải là việc chạy theo tất cả các tiêu chí trong bộ 19 tiêu chí một cách cứng nhắc, mà mấu chốt của vấn đề là xây dựng được những mô hình, là quy hoạch lại sản xuất để tạo những phương kế làm ăn có tính bền vững cho chính người dân nông thôn. TS. Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho rằng: “Xây dựng NTM, nếu không có tiêu chí thì không đánh giá được những thay đổi. Nhưng việc áp dụng bộ tiêu chí cần linh hoạt cho phù hợp với địa phương. Trong xây dựng NTM cần có nhiều tiêu chí, nhưng cần thực hiện những tiêu chí có tính đòn bẩy trước, ví dụ như kết cấu hạ tầng như giao thông, thủy lợi, điện sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả… để đạt được mục đích cuối cùng là tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Khi thu nhập được cải thiện, các tiêu chí khác sẽ được nâng lên”.
Bài và ảnh:L.Hiền