Tổng lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 500mm. Riêng các huyện Phú Lộc, Nam Đông lượng mưa cao hơn, có khả năng đạt 300-500mm, có nơi trên 800mm; gây ngập lụt diện rộng cho khu vực đồng bằng, các khu vực trũng thấp.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn, ngày 21/11, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có công điện yêu cầu các chủ đập chủ động vận hành đưa mực nước hồ về mực nước trước lũ theo quy trình được phê duyệt trước 19 giờ ngày 24/11 (cụ thể, mực nước hồ Tả Trạch:+38m, hồ Bình Điền:+81,6m, hồ Hương Điền:+56,5m), đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, góp phần cắt, giảm đỉnh lũ vùng hạ du.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin duyên hải tỉnh tăng cường thời lượng thông báo cho chủ phương tiện, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển biết diễn biến gió mạnh chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; đồng thời tổ chức kêu gọi tàu thuyền vào bờ an toàn trước ngày 25/11 (bao gồm cả thuyền bãi ngang ven biển).
Các địa phương theo dõi sát diễn biến cập nhật tình hình thời tiết, rà soát phương án di dời dân ở khu vực nguy hiểm; triển khai phương án ứng phó mưa lũ tại cấp xã theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).
Chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu đang thi công công trình giao thông, xây dựng, thủy lợi, đặc biệt là công trình trên sông, cửa sông, ven biển kiểm tra công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện vật tư thi công...
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, từ tháng 10/2023 đến nay, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, lượng mưa phổ biến từ 1.500-1.700mm, có nơi trên 2.000mm, liên tục xảy ra nhiều trận lũ lớn. Đến nay, đất đã bão hòa nước nên nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao, nhất là khi mưa lớn tiếp tục diễn ra.
Sạt trượt đất đá là loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro rất cao, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, đe dọa ổn định các công trình hạ tầng đê đập, đường sá, nhà cửa của nhân dân. Do vậy, căn cứ những vị trí đã được cảnh báo, các địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai lực lượng kiểm tra, rà soát, đánh giá và có phương án ứng phó.