Tham dự buổi diễn tập có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu; Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương; Trung tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; đại diện lãnh đạo Quân khu 4…
Thừa Thiên - Huế là địa phương đầu tiên của cả nước được lựa chọn tổ chức Diễn tập Ứng phó sự cố tràn dầu cấp khu vực sau khi Luật Phòng thủ dân sự được Quốc hội thông qua năm 2023. Chương trình diễn tập nhằm đánh giá khả năng điều động lực lượng, phương tiện và công tác lãnh đạo, chỉ huy điều hành của Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế trong thực hiện xử lý sự cố môi trường trên biển.
Theo tình huống giả định, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế xảy ra sự cố tai nạn hàng hải trên biển giữa tàu chở dầu TS01 với tàu chở hàng Chân Mây. Trên tàu TS01 có 12 thuyền viên, chở 1.200m3 dầu DO, hành trình từ Hải Phòng đi Quảng Ngãi. Vị trí hai tàu đâm va nhau cách bờ biển Bình An, vịnh Chân Mây, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc khoảng 1 hải lý, cách cảng Hào Hưng – Chân Mây về phía Đông khoảng 0,8 hải lý. Hậu quả, tàu TS01 bị thủng khoang két số 3, làm tràn dầu ra ngoài khoảng 50m3 dầu DO, đồng thời 5 thuyền viên của tàu này bị rơi xuống biển, trong đó đã cứu vớt được hai thuyền viên còn ba thuyền viên chưa được tìm thấy, Do sự cố đâm va nên khoang máy bị chập điện, có nguy cơ cháy nổ nếu không tiến hành ứng phó kịp thời.
Cuộc diễn tập gồm 2 giai đoạn, vận hành cơ chế và diễn tập thực binh. Đối với nội dung vận hành cơ chế, ngay sau tiếp nhận được thông tin xảy ra sự cố trên, Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành họp khẩn để nhận định tình hình, đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự cố và thống nhất phương án xử lý; nhanh chóng huy động lực lượng đến hiện trường để tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả tràn dầu; đồng thời báo cáo với Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 để nắm tình hình và có phương án hỗ trợ. Đặc biệt, với mức độ nghiêm trọng và phức tạp của sự việc trên, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã quyết định thành lập Sở chỉ huy hiện trường để kịp thời chỉ huy thực hiện hiệu quả công tác ứng phó sự cố tràn dầu.
Đối với nội dung diễn tập thực binh, ngay sau khi xảy ra sự cố mặc dù các lực lượng cơ sở đã triển khai các phương án ứng phó, song lượng dầu tràn ra quá lớn. Trước tình hình khẩn cấp, Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai các lực lượng nhanh chóng đến hiện trường để tiến hành xử lý sự cố. Với các phương án xử lý linh hoạt, các lực lượng thực binh trên biển, trên bộ đã chủ động trao đổi thông tin, điều hành phương tiện cứu người, chữa cháy và sử dụng các phương tiện chuyên dụng để bơm, hút dầu loang, dùng các tấm hút dầu đề ngăn chặn tối đa không cho dầu loang ra diện rộng, cảnh báo các tàu thuyền trong khu vực… Sau thời gian triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả, cuộc diễn tập đã đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, toàn bộ các thuyền viên tàu TS01 đã được cứu vớt đưa vào bờ an toàn, lượng dầu tràn trên biển được thu gom và xử lý đúng quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Hoàng Hải Minh cho biết, sự cố tràn dầu là một trong những sự cố tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến những tác động lớn đến môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái biển và ven biển, vùng triều bãi cát, đầm phá và các rạn san hô. Ô nhiễm dầu làm giảm khả năng sức chống đỡ, tính linh hoạt, khả năng khôi phục của các hệ sinh thái, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Chính vì vậy, việc diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu lần này là nội dung hết sức cần thiết để nâng cao khả năng tham mưu, phối hợp hiệp đồng của các đơn vị khi có sự cố trên biển.
Kết thúc buổi diễn tập, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã trao tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong chương trình diễn tập.