Buổi tập luyện có sự tham gia của tàu CSB 8005, thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và tàu Sumadra Paheredar-ICG 202 của lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ.
Theo tình huống giả định, có sự cố tràn dầu xảy ra trên vùng biển quốc tế gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường. Quy trình ứng phó sự cố khẩn cấp ngay lập tức được kích hoạt và tất cả các thủy thủ trên tàu được thông báo triển khai nhiệm vụ ứng phó sự cố tràn dầu. Tàu Cảnh sát biển 8005 và tàu Sumadra Paheredar-ICG 202 được điều động tham gia xử lý sự cố tràn dầu.
Cùng với các trang thiết bị hiện đại chuyên dụng trên tàu, các cán bộ, sĩ quan cùng thủy thủ hai lực lượng đã phối hợp, triển khai đồng bộ công tác kỹ thuật xử lý sự cố tràn dầu theo một quy trình khoa học, nghiêm ngặt; tổ chức khoanh vùng, xử lý, thu gom triệt để lượng dầu tràn ra biển hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
Trong quá trình thực hiện ứng phó sự cố tràn dầu kết thúc, 2 tàu của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ lại nhận tín hiệu SOS của 1 tàu đang bị hỏa hoạn trên biển. Tàu Cảnh sát biển 8005 và tàu Sumadra Paheredar-ICG 202 tăng tốc đến hiện trường, tiếp cận tàu bị nạn, tiến hành hiệp đồng phun vòi rồng dập tắt đám cháy.
Trong quá trình chữa cháy, người trên tàu bị nạn đã nhảy xuống biển để thoát thân. Khi phát hiện người trôi trên biển, các tàu đã nhanh chóng xác định tọa độ và khẩn trương triển khai hạ xuồng cao tốc tiếp cận người bị nạn, đưa người bị nạn lên tàu cấp cứu ổn định sức khỏe, hoàn thành xuất sắc công tác luyện tập chung về công tác ứng phó sự cố tràn dầu, xử lý ô nhiễm môi trường trên biển và công tác tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ, chữa cháy trên biển.
Kết thúc nhiệm vụ, hai tàu đã làm ghi thức chào nhau trên biển và tiếp tục hành trình thực hiện các nhiệm vụ khác.
Theo Đại tá Nguyễn Minh Khánh, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Vùng Cảnh sát biển 3, đây là hoạt động thiết thực để lực lượng hai nước giao lưu, học hỏi lẫn nhau về khả năng xử lý các tình huống của đội ngũ cán bộ tàu và hành động của thủy thủ trong công tác ứng phó sự cố tràn dầu, xử lý ô nhiễm môi trường và tìm kiếm cứu nạn trên biển; đồng thời, giúp cán bộ, sĩ quan hai nước có thêm những kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh, ứng phó với các sự cố trên biển; rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ tính chủ động, sáng tạo, khả năng hành động, bản lĩnh, nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.