Ông Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh: 50 năm qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là ánh sáng soi đường, kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc chiến đấu chống ngoại xâm và xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".
Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên - Huế đã nỗ lực không ngừng, đoàn kết một lòng, tập trung công sức, trí tuệ, hoạch định chiến lược phát triển, từng bước tạo đột phá trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đến nay, diện mạo kinh tế - xã hội của tỉnh đã có nhiều thay đổi, đạt nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực đời sống. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các tổ chức Đảng.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Thừa Thiên - Huế là nơi vinh dự gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt hơn 10 năm thời niên thiếu, nơi đã "hình thành nên con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh... một con người lạ lùng, với những ý tưởng lạ lùng, đưa đến những thành tựu lạ lùng". Cho đến hôm nay ở Thừa Thiên - Huế, những di tích, địa danh như làng Dương Nỗ, đường Mai Thúc Loan, Trường Quốc học, núi Bân, Tòa Khâm sứ trung kỳ... đã đi vào tâm thức nhiều thế hệ nhằm nhắc nhở chúng ta sống, lao động, học tập, xứng đáng với tình cảm mà Người dành cho Thừa Thiên - Huế.
Năm mươi năm thực hiện di chúc của Người, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên - Huế, trong từng giai đoạn lịch sử đã hoàn thành sứ mệnh "biến đau thương thành hành động cách mạng" giải phóng quê hương Thừa Thiên - Huế, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tỉnh đã nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, hoạch định chủ trương, chính sách để nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn di sản, môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng xã hội học tập để Cố đô Huế trở thành thành phố "Di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường".
Với 52 bài tham luận, tại hội thảo, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên... đã tập trung làm rõ tầm vóc lịch sử và giá trị về lý luận, thực tiễn của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong 50 năm qua. Sức sống mãnh liệt của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay.
Các đại biểu cũng tập trung đánh giá, nêu bật những thành tựu mà Đảng bộ, nhân dân Thừa Thiên - Huế đạt được trong 50 năm thực hiện Di chúc của Bác; giới thiệu tấm gương điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm sáng tạo đóng góp vào thành tựu của quê hương.
Nhiều đại biểu cũng chỉ ra rằng việc thực hiện Di chúc của Người vẫn chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là nơi Bác Hồ từng sinh sống, học tập và hình thành nhân cách để ra đi tìm đường cứu nước. Qua đó đề ra giải pháp, bài học kinh nghiệm để những giá trị nhân văn trong Di chúc của Người tiếp tục được vận dụng vào cuộc sống.
Thạc sỹ Nguyễn Văn Quang, giảng viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế cho biết: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện có giá trị vô cùng to lớn đối với quá trình cách mạng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ta trên nhiều phương diện, vạch ra phương hướng cho cách mạng Việt Nam cả hôm nay, trong tương lai. Đặc biệt hơn, Di chúc chất chứa những tư tưởng nhân văn, thể hiện được nhân cách cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Gắn với công tác thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đoàn viên, thanh niên và đặc biệt là những căn dặn của Bác, thế hệ trẻ Thừa Thiên - Huế, tuổi trẻ Trường Đại học Sư phạm Huế nói riêng đang tích cực hiện các phong trào góp phần xây dựng, lan tỏa giá trị nhân cách của sinh viên. Từ đó định hình hình mẫu của sinh viên trong thời kỳ mới để góp phần xây dựng quê hương đất nước.