Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Tất cả bệnh truyền nhiễm đều có thể dự phòng

Tiếp tục thực hiện giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh ở các tỉnh, thành phố trọng điểm, ngày 15/5, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến dẫn đầu đã làm việc với Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh.

Qua kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại 3 bệnh viện trọng điểm (Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Nhiệt đới) trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đánh giá cao công tác thu dung, điều trị và phòng chống dịch khá hiệu quả trong thời gian qua. Đặc biệt là với tỷ lệ số ca mắc sởi biến chứng chiếm khoảng 40%, nhưng các bệnh viện đã làm rất tốt công tác điều trị và không có trường hợp nào tử vong do sởi.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, tất cả các loại bệnh truyền nhiễm đều có thể dự phòng được. Đối với những bệnh sởi, thủy đậu... có thể phòng được khi tiêm vắc-xin đầy đủ. Những bệnh không có vắc-xin như sốt xuất huyết có thể phòng ngừa được bệnh nếu người dân diệt sạch lăng quăng, diệt muỗi ở khu vực sinh sống, giữ môi trường sạch sẽ, dùng màn khi nằm ngủ...

Phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vét vắc xin sởi tại Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN


Hay bệnh lý tay chân miệng hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh, song người dân vẫn có thể dự phòng phần nào bằng cách giữ vệ sinh sạch sẽ, đề phòng lây nhiễm từ người này sang người khác... Đối với mỗi loại bệnh truyền nhiễm, bộ phận truyền thông của Sở Y tế cần phối hợp với hệ thống y tế dự phòng và điều trị có các nội dung ngắn gọn, phong phú để phổ biến cho người dân những biện pháp dự phòng cần thiết.

Trước diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, một số bệnh nguy hiểm đã có khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới như dịch bệnh MERS (Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông), bại liệt... Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến lưu ý ngành y tế thành phố Hồ Chí Minh phải luôn luôn có tinh thần đối phó khi có dịch lớn xảy ra. Ngành y tế phải thực hiện đồng thời cả 3 nhiệm vụ: Phòng - chống và dập dịch. Riêng đối với dịch sởi, năm nay có khoảng 14% trẻ dưới 9 tháng mắc sởi khi chưa đến độ tuổi chích ngừa vắc-xin sởi. Vì vậy, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh cần phối hợp với các bệnh viện nghiên cứu, xem xét mức độ ảnh hưởng của vắc-xin sởi đối với trẻ sơ sinh để có thể giảm độ tuổi chích ngừa dưới 9 tháng nhằm đảm bảo cho công tác phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Tham gia cùng đoàn kiểm tra, Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng lưu ý, thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục công tác giám sát dịch bệnh mùa hè như: Sởi, tay chân miệng, viêm não, sốt xuất huyết, cúm...; các dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập từ bên ngoài qua đường du lịch, cửa khẩu như MERS, H7N9…; đồng thời tập trung giám sát ở các trường học, nhà trẻ. Khi giám sát ở các bệnh viện cần chú ý vào việc phát hiện sớm, tránh để bệnh diễn tiến nặng hoặc bỏ sót ca bệnh. Đối với các biện pháp phòng chống dịch chủ động, các bệnh có vắc-xin phòng bệnh, Tiến sĩ Trương Đình Bắc đề nghị Sở Y tế thành phố tiếp tục chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị truyền thông tuyên truyền để người dân tham gia vào các đợt tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là đợt tiêm vét sởi. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cần tăng cường giám sát việc rửa tay bằng xà phòng ở các trường học trên địa bàn; giám sát quản lý nguồn nước sinh hoạt...

Dự báo về tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bệnh tay chân miệng hiện nay đang vào mùa. Tuy nhiên, theo giám sát của Viện Pasteur, chủng EV71 tăng từ 42% năm 2005 lên đến hơn 72% trong năm nay. Đây là nhóm virút gây nên các biến chứng về tim mạch, não, có khả năng gây tử vong cao. Đồng thời theo chu kì bệnh, khả năng năm nay bệnh này sẽ có diễn biến tăng cao hơn so với năm ngoái và có nguy cơ bùng phát bệnh thành dịch. Về bệnh sốt xuất huyết, trong tháng 4 tại thành phố có chỉ số côn trùng tăng và thành phố chuẩn bị vào mùa mưa, nên trong thời gian tới, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết có thể sẽ tăng nhưng không phải là tăng lớn. Nếu trong thời gian này, ngành y tế làm tốt công tác dự phòng thì sẽ hạn chế được dịch bệnh trong thời gian tới.

Với các nguy cơ dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết có khả năng tăng cao trong thời gian tới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết: Thành phố sẽ tập trung triển khai các biện pháp dự phòng, cố gắng không để dịch bệnh phát triển. Đối với bệnh sởi, Sở Y tế sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị thực hiện tiêm vét sởi theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay bệnh tay chân miệng đang tăng so với cùng kỳ năm 2013 và tăng liên tục từ tuần thứ 7 cho đến nay, với trung bình 200 ca/tuần. Các bệnh dịch khác lây do tiếp xúc từ các dịch tiết ở đường hô hấp và tiêu hóa như: Sởi, sốt phát ban dạng sởi, thủy đậu, quai bị, cúm... đang ở mức cao. Từ đầu năm đến nay, số ca mắc sởi là 1.600 ca, tăng 133 lần so với cùng kỳ năm 2013; 548 ca thủy đậu, tăng 244% so với cùng kỳ và gần 3.000 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 30%... Riêng bệnh sốt xuất huyết, hiện tại số ca mắc thấp, khoảng 100 ca/tuần, nhưng đã có 2 trường hợp tử vong.


Hứa Chung
Dịch bệnh gia tăng tại TP Hồ Chí Minh
Dịch bệnh gia tăng tại TP Hồ Chí Minh

Tình hình dịch bệnh tại thành phố đang hết sức căng thẳng. Nhận định này được Sở Y Tế TP Hồ Chí Minh đưa ra trong bối cảnh dịch sởi đang diễn biến khá phức tạp và hàng loạt các loại dịch bệnh khác đang bùng phát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN