Đối với người Hà Nội, cốm làng Vòng luôn có “một ngăn” trong tủ hồ sơ kỷ niệm. Từ những chiếc xe đạp bán cốm dạo, tới những thúng cốm vỉa hè, hương cốm sữa thơm dịu ngọt càng làm mùa thu Hà Nội trở nên nồng nàn. Nhưng trong nhịp sống hối hả của thời buổi kinh tế thị trường, tiếng cốm rao như đang lọt thỏm và mất đi trong lòng thành phố.
Đìu hiu mùa cốm
Khi xưa, làng Vòng thuộc khu vực ngoại thành ở phía Tây Hà Nội, nhưng với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, nay đã trở thành khu vực trung tâm của quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Cổng làng Vòng mới được xây dựng lại to đẹp, bề thế. |
Quá trình đô thị hóa khiến làng Vòng “thay da đổi thịt”. Cổng làng được xây mới vô cùng đồ sộ ngay mặt phố Trần Thái Tông (Hà Nội). Trong làng, không khí xây dựng rất náo nhiệt, những ngôi nhà cao tầng san sát, quán xá mọc lên như “nấm”, đời sống của người dân trong làng ngày càng có nhiều nét hiện đại.
Trái ngược với sự đi lên của cơ chế kinh tế thị trường, nghề cốm làng Vòng truyền thống lại đang có dấu hiệu mai một. Miệng bỏm bẻm nhai trầu, bà Sâm (78 tuổi), số nhà 51 (trong làng Vòng) kể: “Thời tôi còn con gái, cả làng Vòng làm nghề cốm. Đi đâu, về tới đầu làng đã ngửi thấy hương vị dịu ngọt của cốm non, cốm sữa”.
Nhưng nay, cả làng hiện chỉ còn 20 hộ làm cốm. “Những nhà giữ nghề chủ yếu là muốn níu lại chút truyền thống gia đình, vì nghề này làm rất vất vả. Chúng tôi phải thức dậy từ 4 giờ sáng chuẩn bị nguyên liệu. Nếp non phải là nếp được gặt từ Thanh Trì, Hòa Bình về. Làm vất vả nhưng lãi lại không nhiều nên nhiều nhà đã bỏ nghề”, bà Sâm chia sẻ.
Mùa cốm thường kéo dài trong tháng bảy và tám âm lịch. “Nhưng bây giờ, chúng tôi làm cốm theo thời điểm. Những ngày đầu tháng, ngày rằm chúng tôi mới làm cốm, vì làm ra nhiều không bán được”, bà Sâm cho biết thêm.
Đầu tháng 8 âm lịch, dù đã cố gắng đi nhiều vòng trong làng, cả trong những ngõ ngách, nhưng chúng tôi không thấy một nhà nào nổi lửa rang cốm hay giã cốm. Những nhà còn làm cốm, những ngày này máy móc cũng “đắp chiếu”. Họ bảo, phải tới gần cận rằm mới làm, làm ngày này, không bán được.
Ngay trên phố Xuân Thủy (Hà Nội), đoạn qua làng Vòng, cũng chỉ còn lại lác đác vài hàng bán cốm vỉa hè. Bà Nhàn, một người bán cốm trên phố Xuân Thủy đang cẩn thận gói cốm cho một khách hàng cho biết: “Cốm ngon nhất là cốm sữa, có giá 250.000 đồng/kg, các loại cốm khác giá từ 150.000 - 230.000 đồng/kg. Chuối chín trứng cuốc ăn với cốm là ngon nhất. Người ta có thể dùng cốm nấu chè, nấu xôi...”
Theo bà Nhàn, xưa kia cốm còn được những người bán hàng rong gói gém cẩn thận trong lá ráy, rồi đưa đi khắp nơi trong nội thành, không chỉ bán cốm mà bán kèm cả chuối, hoa quả. Ngày xưa, số lượng người bán cốm dạo rất đông, nhưng nay đã vắng đi nhiều. Tiếng rao cũng thưa hơn, lọt thỏm trong lòng những con phố Hà Nội ồn ã…
Gìn giữ hương sắc thu Hà Nội
Hiện nay nhiều gia đình trong làng Vòng đã bỏ nghề làm cốm, vì không đủ lãi để trang trải cuộc sống. Họ chuyển sang buôn cốm từ nơi khác về, bán vừa có lãi lại đỡ vất vả, tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Với truyền thống nhiều đời làm cốm, bà Sâm chia sẻ, trước đây, người Hà Nội sống thanh tao, lịch lãm, thích hương thơm dịu ngọt của cốm Vòng. Họ tới tận làng để mua về thưởng thức. Ngày nay, kinh tế thị trường, bận rộn, họ không có thời gian để thưởng thức hương vị cốm. Hơn nữa, nhiều nơi làm cốm khiến cho nhiều người dân không phân được đâu là cốm làng Vòng thật.
“Trong vòng xoáy của thị trường, người dân thành thị chạy đua với cuộc sống vội vã. Tệ hơn nữa, họ còn làm giả cả cốm làng Vòng. Cốm Vòng bây giờ bị làm giả rất nhiều. Mười người bán cốm thì cũng chỉ vài người có thể phân biệt được đâu là cốm thật, đâu là cốm giả”, bà Sâm nói.
“Nhiều người, thay vì xuống tận ruộng mua nếp xanh, nếp ngậm sữa thì họ chỉ cần dùng nếp hạt kém chất lượng để làm cốm. Thêm một chút hóa chất bỏ vào, ngâm 8 - 10 tiếng là đã có một mẻ cốm xanh mướt. Cho thêm một chút hương vị hóa học vào sẽ làm người mua không thể phân biệt được hương vị của cốm thật, cốm giả. Nhưng với những người làm cốm, bán cốm lâu năm thì nhìn qua là biết ngay cốm nào giả, cốm nào thật.” bà Nhàn, người bán cốm trên phố Xuân Thủy cho biết.
Theo lời bà Nhàn, bán loại cốm giả này thì lãi cao lắm, nguyên liệu kém chất lượng nhưng lại bán bằng giá cốm thật. Còn người bán cốm thật, giỏi lắm cũng chỉ lãi một gấp đôi, bình thường thì chỉ gấp rưỡi.
“Thực sự, chúng tôi không kiếm sống bằng nghề bán cốm, mà chỉ muốn lưu giữ nét riêng của người làng Vòng, truyền thống của gia đình nhiều đời làm và bán cốm. Đối với chúng tôi, bán cốm cũng như mang một chút tâm hồn của Hà Nội xưa còn sót lại để đi tìm những người khách tri kỉ, lâu năm””, bà Nhàn chia sẻ.
“Dù cuộc sống khó khăn, nhưng người làm cốm, bán cốm phải có tâm hồn, hiểu biết để giữ nền nếp Hà Nội thanh lịch. Thậm chí có một chút tự hào, kiêu hãnh vì mình là người Thăng Long ngàn năm văn hiến. Sống không bon chen, thanh thản và không bị hòa lẫn vào cuộc sống xô bồ. Nhưng bây giờ, cũng khó nói trước điều gì, nhiều giá trị nhân văn trong xã hội đang bị đảo lộn, mọi người quay cuồng để kiểm tiền. Có lẽ, vì thế hương cốm Hà Nội cũng sắp trở thành hoài niệm, nhất là đối với giới trẻ”, bà Nhàn nói thêm.
“Hương cốm Hà Nội giống như một góc văn hóa, một góc tâm hồn, một nét văn hiến lâu đời của người Hà Nội. Nhưng nó đang có nguy cơ mai một. Chúng tôi vẫn đang cố gắng giữ lại chút hương cốm như giữ lại nét văn hóa, níu lại chút hồn của người Hà thành trong vòng xoáy của đô thị ồn ào, vội vã”, bà Sâm tâm sự.
Bài và ảnh: Hữu Vinh