Ngọt ngào hương cốm Tú Lệ

Vào mùa này, mỗi khi có dịp đi qua đất Tú Lệ (huyện Văn Chấn, Yên Bái), ai nấy đều dừng chân mua một vài gói cốm về làm quà cho bạn bè, người thân. Thưởng thức những hạt cốm xanh, dẻo thơm, béo ngậy..., tôi không khỏi tò mò, tìm đến những người làm cốm để tìm hiểu.

 

 

Khách đi qua Tú Lệ đều ghé hàng cốm mua một ít làm quà.

 

Cách khu vực trung tâm xã Tú Lệ khoảng hơn 1 km, theo hướng đi Mù Cang Chải, thường vào khoảng 3 - 4 giờ chiều, khách qua đường đã thấy hương thơm ngào ngạt của nếp Tú Lệ bay ra từ trong những ngôi nhà sàn, nhà đất ven đường. Đó là những nhà làm cốm đang miệt mài với công việc rang cốm, giã cốm để ngày hôm sau mang ra chợ bán.


Chị Vì Thị Doan, bản Nà Lóng, xã Tú Lệ, người đã có kinh nghiệm làm cốm 5 - 6 năm nay, cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa nếp Tú Lệ là chị lại làm cốm. Thóc làm cốm ngon nhất là loại lúa nếp non gần hết nước trắng sữa, bởi vậy hàng ngày, vợ chồng chị lại vào các bản trồng nếp Tú Lệ để mua thóc nếp non. Sau khi mua về, thóc non được mang đi đãi, rửa cho sạch bùn đất, để cho ráo nước rồi cho lên chảo rang. Để cho ra được những hạt cốm dẻo, thơm và mềm thì khi rang phải giữ đều lửa, không quá to cũng không quá nhỏ, phải đảo liên tục, đều tay để cho thóc chín đều. Cốm rang phải vừa tầm, nếu quá lửa sẽ bị cứng mà non lửa thì độ dẻo, thơm của cốm sẽ bị mất đi. Theo kinh nghiệm của chị Doan, khi rang cần quan sát kỹ, khi nào màu vỏ thóc chuyển từ màu xanh của lúa non, sang màu nâu vàng nhạt, và khi đảo thấy nhẹ tay là được (trung bình khoảng 30 phút/một mẻ thóc rang là vừa tầm). Thóc rang xong được rải ra cho đỡ nóng, rồi cho vào cối giã cho đến khi hạt cốm dẹt mỏng, dẻo và dậy mùi hương thơm, rồi được đem ra sàng, sẩy sạch sẽ. Vậy là hoàn thành một mẻ cốm.


Chị Doan cho biết, trung bình một ngày, gia đình chị giã khoảng 15 kg thóc. Nếu thóc đẹp, thì 10 kg thóc sẽ cho ra khoảng 5 kg cốm. Nếu thóc không đẹp, nhiều hạt lép thì chỉ được khoảng 4 kg cốm. Sau đó, chị mang cốm ra chợ bán buôn cho những người bán hàng.


Cũng như gia đình chị Vì Thị Doan, gia đình anh Hoàng Văn Huyện và chị Hoàng Thị Thảo (bản Nà Lóng, xã Tú Lệ) cũng chuyên làm cốm mỗi khi mùa nếp mới đến. Trung bình mỗi ngày, vợ chồng anh giã khoảng 10 - 20 kg thóc. Theo anh Huyện, nếu chịu khó và làm đều đặn, thì một tháng anh chị cũng lãi được khoảng 5 - 6 triệu đồng. Một mùa cốm thường kéo dài trong vòng 2 tháng, anh chị cũng lãi được hơn chục triệu đồng, một khoản thu nhập không nhỏ đối với bà con dân tộc ở nơi đây.


Ở bản Nà Lóng, có khoảng chục hộ thường xuyên làm cốm như vậy. Em Sầm Thị Mừng, năm nay 16 tuổi, ở cùng bản kể, ngày nào em cũng cùng mẹ giã cốm. Đây là một công việc khá vất vả, nhưng em rất vui vì có thể giúp đỡ mẹ kiếm thêm tiền để tăng thêm thu nhập cho gia đình.


So với các loại cốm khác, cốm Tú Lệ ngon hơn bởi hương thơm và độ dẻo đặc biệt của giống nếp Tan Lả, loại nếp đặc sản ở vùng này. Ngoài hương thơm và độ dẻo, cốm Tú Lệ có vị ngọt đậm đà, béo ngậy, khiến cho những ai đã từng thưởng thức đều không thể quên hương vị thơm ngon đặc biệt của loại cốm này.

 

Bài và ảnh: Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN