Thông tin có trách nhiệm về lịch trình di chuyển của bệnh nhân COVID-19

Thời gian gần đây, thông tin về lịch trình di chuyển của bệnh nhân hoặc người nghi nhiễm COVID-19 được đăng tải nhiều trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nhiều thông tin về lịch trình được trích dẫn sai sự thật gây nhiễu thông tin và xâm phạm đời tư.

Cố tình "chế" thông tin về lịch trình của một số bệnh nhân

Trong vòng 7 ngày qua gần đây, Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội liên tiếp xử phạt 15 trường hợp tung tin giả, tin sai sự thật về dịch COVID-19. Trong số này, có 10 trường hợp là tin sai sự thật về lịch trình của người mắc và nghi mắc COVID-19 tại Quảng Ninh đi hát karaoke tay vịn và lịch trình đoàn công tác VTV tại Vân Đồn tiếp xúc với F1.

Chú thích ảnh
Nhiều trường hợp tung tin giả đã bị Sở TTTT Hà Nội xử phạt trong thời gian qua.

Cụ thể, theo Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, ngày 28/1/2021, bà Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1994), trú tại Biên Giang (Hà Đông, Hà Nội) có đăng trên facebook bài viết với nội dung: “Ngta đi tay vịn cả năm k ai biết, ông 1553 đi 1 lần cả nước biết, thậm chi cả nước ngoài cũng biết luôn. Khổ thân mấy e tay vịn tầm này đang sốt vì em co vi”. Tương tự, bà Dương Thị Tuyết Trinh (sinh năm 1995), trú tại Phương Liên (Đống Đa, Hà Nội) đăng tải bài viết trên trang faacebook cá nhân có nội dung: “Nam bệnh nhân 1553 tại Quảng Ninh nhiễm COVID 19, ngày đi làm tối về họp lớp đi hát karaok, có gọi lan can để vịn” và bản khai lịch trình...

Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, khi xuất hiện các ca mắc mới COVID-19 lây lan trong cộng đồng tại Quảng Ninh, Hải Dương thì từ khóa "hát karaoke, tay vịn" trở thành hot trend trên mạng... Thông tin đăng trên mạng xã hội trích dẫn từ nguồn không kiểm chứng gây hoang mang trong xã hội, tạo tâm lý về dịch đang lây lan rộng.

Về thông tin một ca bệnh COVID-19 liên quan đến hát karraoke, theo rà soát của Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh, ngày 28/1, trên Facebook lan truyền hình ảnh một văn bản kê khai lịch trình di chuyển, sinh hoạt của bệnh nhân có tên P.A.T., được cho là bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Quảng Ninh, trong đó có nội dung đáng chú ý là bệnh nhân khai đi hát karaoke có "tay vịn".

"Nội dung tờ khai trên không phải do anh T. hay cơ quan chức năng địa phương phát hành mà do các đối tượng xấu tự biên, đăng tải với mục đích làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận, gây ảnh hưởng đến công tác truy vết, phòng chống dịch", đại diện Sở Thông tin và truyền thông Quảng Ninh khẳng định.

Từ khẳng định của Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) - (Cục Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) xác định tin bệnh nhân hát karaoke có tay vịn là fake news (tin giả).

Cũng vào thời điểm này, ông Phạm Mạnh Đạt sử dụng tài khoản facebook cá nhân đăng tải lên mạng xã hội facebook với nội dung: "Đoàn PV, BTV của VTV thực hiện chương trình “Chiều cuối năm” ở Vân Đồn, được vợ của bệnh nhân 1553 phục vụ ăn uống, nay vợ BN1553 đã dương tính, toàn bộ ekip sản xuất của VTV trở thành F1…".

Theo Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, nội dung bài viết chưa được các cơ quan chức năng kiểm chứng, xác định là thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19, vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ.

Phản ánh từ VTV cho thấy, vào ngày 21-22/1/2021, ê-kíp thực hiện chương trình Chiều cuối năm của Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam đã có chuyến công tác và ghi hình tại sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh. Trong lúc tác nghiệp, ê-kip đã luôn thực hiện quy trình phòng, chống dịch đầy đủ, đặc biệt khi ghi hình ở khu khách quốc tế. Trước thông tin xuất hiện trên mạng xã hội về việc vợ của một bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 đã phục vụ ăn uống cho đoàn, đại diện VTV khẳng định, về trường hợp  F1 là vợ của bệnh nhân 1533 có tiếp xúc với ê-kíp sản là nhân viên sân bay hỗ trợ ê-kíp về mặt thủ tục giấy tờ, không liên quan đến công tác ăn uống, cũng không có tiếp xúc quá gần với ê-kíp. Người này đã âm tính và cách ly theo quy định.

Những ngày gần đây, thông tin về lịch trình của bệnh nhân 1883 là công chứng viên tại quận Cầu Giấy cũng được phản hồi chưa chính xác với nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến đời tư cá nhân.

Có thể thấy, thông tin về lịch trình của bệnh nhân COVID-19 và những trường hợp F1, F2 khi đăng tải lên mạng xã hội đã bị thêm bớt và thậm chí làm giả để thu hút người đọc. Điều này gây nhiễu thông tin và ảnh hưởng không nhỏ đến công tác điều tra thông tin, phòng chống dịch COVID-19 của cơ quan chức năng.

Chia sẻ thông tin có trách nhiệm trên mạng xã hội

Chỉ cần gõ từ khóa “lịch trình bệnh nhân COVID…” sẽ ra rất nhiều kết quả như lịch trình dày đặc, lịch trình phức tạp… với nhiều thông tin chi tiết về đời tư. Một số từ khóa nhạy cảm thường bị “tam sao thất bản” theo hướng "câu view". Điều này có thể tạo tâm lý từ chối khai báo lịch trình do sợ hãi sự can thiệp quá sâu của truyền thông, cộng đồng mạng vào đời sống riêng tư.
Vậy, hành động ra sao để vừa đảm bảo quyền lợi của cá nhân người bệnh, vừa thực hiện phòng chống dịch trong cộng đồng?

Chú thích ảnh
Lịch trình của một bệnh nhân COVID-19 tại Quảng Ninh bị chế đi là hát karaoke tay vịn đã được xác định là tin giả.

Người bệnh hoặc người nghi nhiễm COVID-19 có nghĩa vụ cung cấp thông tin về lịch trình di chuyển của họ cho cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác phòng chống dịch. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc công khai toàn bộ thông tin riêng tư của họ (bao gồm cả lịch trình di chuyển chi tiết) lên mạng xã hội, báo chí truyền thông.

Việc công khai này không giải quyết vấn đề đảm bảo lợi ích cộng đồng mà ngược lại gây ra bất ổn cộng đồng, bởi có thể dẫn đến việc cộng đồng mạng 'săn lùng', suy diễn, công kích người bệnh/ người nghi nhiễm trên mạng xã hội, gây sốc tâm lý đối với người bị công kích và gia đình họ, thậm chí gây hoang mang dư luận ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Không những thế, một số cá nhân còn lợi dụng tình hình bệnh dịch để phát tán thông tin sai sự thật về bệnh nhân để gây sự chú ý.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Phát triển và Truyền thông, để tránh những hậu quả có thể nhìn thấy được, khi tiếp cận với bất kì thông tin nào liên quan đến dịch bệnh trên các mạng xã hội, báo chí, mỗi cá nhân nên cẩn trọng đánh giá độ chính xác, độ tin cậy của thông tin, nguồn thông tin; cẩn trọng với những phản ứng và hành động của mình với những thông tin đó. Hiện nay, thông tin của người bệnh được cơ quan có thẩm quyền công bố dưới dạng ký hiệu số, một số thông tin về lịch trình di chuyển được cân nhắc đưa ra trong các thông báo khẩn về phòng chống dịch.

PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: Nếu đời tư của những ca nghi nhiễm quá chi tiết đưa lên mạng xã hội sẽ để lại hậu quả khó lường. Điều này sẽ tạo ra tâm lý sợ hãi từ chối cung cấp thông tin. Trong khi đó, thông tin trên mạng xã hội không được kiểm soát bởi theo góc nhìn của từng người. Do đó, thông tin lịch trình bệnh nhân căn cứ theo cơ quan có thẩm quyền, mà trong kiểm soát dịch bệnh thì thẩm quyền thuộc về cơ quan y tế.

Ông Nguyễn Thế Trung, Phó tổ trưởng Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống COVID-19, cho biết: Nếu muốn truy vết hiệu quả, chúng tôi sử dụng nhiều nguồn thông tin nhưng chủ yếu vẫn là chủ động tìm kiếm và tiếp nhận thông tin từ khai báo của người dân. Thông tin chủ động khai báo của người dân vô cùng quan trọng. Trong những đợt dịch trước, chúng ta đã truy vết rất hiệu quả từ nguồn tin này. Tuy nhiên, đợt dịch này, mặc dù tình hình nghiêm trọng hơn nhưng bất ngờ là tỉ lệ người dân bất hợp tác, không cung cấp thông tin lại rất lớn.

"Có đến 20% các F0 (bệnh nhân mắc COVID-19) không hợp tác với chúng tôi trong quá trình phỏng vấn, chưa kể các F1, F2. Con số này cao hơn nhiều các đợt bùng dịch trước đây. Thậm chí có người còn chủ động tắt điện thoại, từ chối nhận cuộc gọi, chặn số từ Bộ Y tế hoặc những thành viên tổ truy vết, khiến công tác truy vết gặp rất nhiều khó khăn", ông Nguyễn Thế Trung cho biết.

Theo ông Nguyễn Thế Trung, có thể do người dân hoảng loạn, lo lắng dẫn tới hành động tắt máy, chặn số của Bộ Y tế hoặc có những thông tin cá nhân không muốn tiết lộ. Lúc này, Tổ truy vết buộc phải cử người đến trao đổi trực tiếp, rất lãng phí thời gian và nhân lực.

Hiện tại, chỉ khoảng 1% số lượng F1 chủ động liên hệ khai báo. Số còn lại đều được các thành viên trong tổ truy vết, chủ động tìm kiếm.

 

XM/Báo Tin tức
Đảm bảo mạng lưới thông tin liên lạc trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu
Đảm bảo mạng lưới thông tin liên lạc trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu

Để đáp ứng nhu cầu liên lạc của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các nhà mạng đang triển khai các phương án, kịch bản an toàn, an ninh thông tin, đảm bảo sẵn sàng ứng phó khi có các tình huống phát sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN