Thịt “bẩn” vẫn hoành hành

Trong thời gian qua, các lực lượng chức năng của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh liên tục phát hiện nhiều loại thịt “bẩn” ôi thiu, không rõ nguồn gốc, nhập lậu… được tuồn vào hai thành phố này để tiêu thụ, khiến người dân canh cánh nỗi lo nhiễm bệnh ngay trên bàn ăn nhà mình.

Bị xử phạt vẫn hoạt động… bình thường


Sau hơn một tuần bị lực lực chức năng kiểm tra “đột xuất”, một nhà hàng vi phạm trên địa bàn Hà Nội vẫn hoạt động bình thường. Mặc dù, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhà hàng này đang nhập một lượng lớn bì lợn, không rõ nguồn gốc với số lượng khoảng gần 1 tấn. Số bì lợn trên được thu gom tại các quầy bán thịt trên địa bàn Hà Nội và các khu vực lân cận.

Ngày 27/7/2015, lực lượng chức năng quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) phát hiện hơn 7 tấn thịt gà quá hạn sử dụng bốc mùi hôi, thối tại khu phố 3, phường Bình Chiểu do bà Nguyễn Thị Nga làm chủ. Ảnh: An hiếu - TTXVN


Một khách hàng quen của cửa hàng, chị Thanh Bình (Kim Mã, Hà Nội) cho biết, tuần trước trong lúc tôi đang mua nem chua ở đây thì thấy có nhiều công an tới lập biên bản, tôi tưởng họ vi phạm về thuế. Nhưng sau đó, tôi đọc báo mới biết là do nhà hàng này làm nem chua bằng thịt bẩn, được thu gom từ các chợ về. Ngay khi công an đang lập biên bản họ vẫn bán hàng bình thường.

“Trước đây, cũng có lần người nhà tôi bị đau bụng khi ăn nem chua ở đây. Nhưng chúng tôi nghĩ đơn giản là nem chua lên men quá lâu, ai bụng yếu thì đau. Hơn nữa, trên tường nhà hàng lại có rất nhiều giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Nhưng sau lần này, chúng tôi sẽ không tin và không mua ở đây nữa”, chị Bình cho biết thêm.

Bà Nga, chủ quán nước gần đó cho biết, trước đây cửa hàng này rất đông khách. Nhưng sau khi bị kiểm tra, lập biên bản, số lượng khách giảm hẳn, đặc biệt là khách mua trực tiếp về sử dụng. Cơ sở nem chua lâu đời mà còn làm ăn thế này, thì những nhà khác không ai dám ăn.

Còn theo chị Lan (ngõ Huyện, Hà Nội), một người đang mua nem chua ở đây cho biết, vẫn mua về để làm nem chua nướng, rán… bán cho khách hàng, vì khách đã ăn quen.

Trước đó, ngày 18/7, các lực lượng chức năng cũng bất ngờ kiểm tra cơ sở kinh doanh sản xuất nem chua, giò tại số 15 ngõ 25 đường Phú Minh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Lực lượng chức năng phát hiện 2 tủ lạnh bên trong có 165 kg thịt lợn đang trong quá trình làm nem chua, giò chả, mọc, nhưng bốc mùi hôi thối. Chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số thịt lợn trên.

Không chỉ tại Hà Nội, ở TP Hồ Chí Minh, người dân cũng đang cảm thấy bất an khi thịt “bẩn” vẫn đang hàng ngày len lỏi vào các chợ dân sinh, lên bàn ăn của các gia đình.

Tại chợ tạm trên đường Huỳnh Tấn Phát thuộc quận 7, vào các buổi chiều sau giờ tan ca, đông nghịt công nhân đi chợ chuẩn bị cơm chiều. Tại các sạp bán thịt gia súc, gia cầm... khách hàng dễ dàng nhận thấy chất lượng thịt “có vấn đề” vì màu sắc không còn tươi ngon, có mùi hôi. “Các loại thịt này được vận chuyển từ các tỉnh miền Tây tới đây. Có thể họ dùng chất bảo quản nên mới để lâu được, bán từ sáng đến chiều tối cho công nhân. Chúng em biết nhưng do giá rẻ và nhu cầu nên vẫn phải mua”, chị Nguyễn Thị Lành công nhân ở khu công nghiệp Tân Thuận cho biết.

Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã bất ngờ kiểm tra cơ sở Pháp Việt, chuyên sản xuất chế biến bò viên cung cấp cho các quán phở, hủ tiếu bình dân và các xe đẩy rong. Mỗi ngày cơ sở này vẫn cho ra lò hàng tấn bò viên bẩn, được làm từ thịt lợn, thịt bò mua trôi nổi ở những chợ đầu mối, thịt gà đông lạnh nhập khẩu hết hạn sử dụng 3 tháng.

Theo Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm 2015, Chi cục đã xử lý trên 1.000 trường hợp vi phạm; trong đó có 24 tấn thịt lợn “bẩn” không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kinh doanh, hơn 1 tấn thịt gà đã qua giết mổ không có giấy chứng nhận kinh doanh, có biểu hiện biến màu, rỉ dịch, bốc mùi hôi thối...

Chính quyền chưa vào cuộc

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), sau hơn 6 tháng triển khai Thông tư 45 về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở 40/63 tỉnh, thành phố, qua tái kiểm tra hơn 700 cơ sở giết mổ, chỉ có 1 cơ sở cải thiện được tình trạng an toàn thực phẩm (ATTP). Như vậy, tình trạng không đảm bảo ATTP tại các cơ sở giết mổ vẫn còn phổ biến, nhưng các cơ quan địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý nghiêm, răn đe các cơ sở này, hầu hết chỉ bị nhắc nhở, khiển trách.

“Đáng lo hơn, trong dự thảo Luật Thú y không còn quy định về kiểm dịch vận chuyển nội tỉnh, thịt ngoại sẽ thoải mái lưu thông. Như vậy, ngành thú y sẽ không có công cụ để quản lý, người tiêu dùng sẽ phải chật vật với cuộc chiến thịt bẩn. Ngoài ra, cũng chưa có quy định xử lý đối với thịt lợn, bò bơm nước chưa kịp giết mổ. Chúng ta cần phải có quy định xử phạt nghiêm việc này, vì nguy cơ nguồn nước bơm vào thịt lợn, bò bị nhiễm bẩn rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”, ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, các tỉnh khi đưa động vật, sản phẩm động vật về Thủ đô cần phải có giấy kiểm dịch và được kiểm soát giết mổ. Các tỉnh phải hướng dẫn và có chính sách hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi, đưa thịt về Hà Nội phải có phương tiện vận chuyển bằng xe lạnh để đảm bảo chất lượng.

Còn theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, “Thịt bẩn cũng đang là vấn nạn của toàn thành phố. Trong khi, thịt tại các siêu thị được quản lý chặt thì các chợ truyền thống, chợ tự phát, những cửa hàng phân phối khu vực ngoại ô… đang làm các ngành chức năng đau đầu. Để hạn chế tình trạng trên, chúng tôi sẽ cùng các doanh nghiệp tăng cường lượng hàng hóa, đảm bảo nguồn cung dồi dào, chất lượng cho người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm”.

Bà Đào cho biết, thành phố đã xây dựng hai chợ thí điểm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sau khi tổng kết, mô hình chợ an toàn sẽ được triển khai tại một số chợ truyền thống khác. Ngoài ra, 34.000 tiểu thương tại các chợ truyền thống cũng đã ký cam kết không vi phạm các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Thành phố cũng đang triển khai mô hình chuỗi thực phẩm an toàn, chợ an toàn. Nếu thực hiện nghiêm các quy định này, thời gian tới sẽ hạn chế tình trạng thực phẩm bẩn, không để thịt bẩn, không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan ảnh thưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát: Tạo sự chuyển biến để dân tin 

Trong những tháng cuối năm, các đơn vị trực thuộc Bộ phải khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp quy để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, tập trung xử lý nghiêm các cơ sở sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản. 

Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, có sự tham gia của người dân trong việc phát hiện những mặt hàng nông sản có nguy cơ cao. Phải tạo ra sự chuyển biến trên thực tiễn, cụ thể là tăng cường kiểm soát cơ sở giết mổ không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra rồi bắt đóng cửa, đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất tốt trong chăn nuôi và thủy sản. Trước thực trạng báo động trên, cần nhanh chóng xây dựng những phòng xét nghiệm nhanh tại chợ đầu mối nông sản lớn, giúp kiểm soát đầu vào nhanh và có thể truy ra được cả đường dây, hệ thống cung cấp thực phẩm bẩn sau đó. Song song với đó là phải thay đổi tập quán buôn bán của bà con tiểu thương, từ các dụng cụ buôn bán hợp vệ sinh nhỏ nhất như: thay những bàn bán thịt bằng gỗ ở chợ bằng bàn inox, trang bị dụng cụ bảo quản hợp vệ sinh… 

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương): Vì lợi nhuận nhiều đối tượng bất chấp luật pháp 

Chế tài xử phạt vi phạm trong vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay đã đủ sức răn đe, nhưng vì lợi nhuận nên nhiều đối tượng vẫn bất chấp luật pháp, sử dụng thủ đoạn tinh vi. Bởi vậy, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng là thường xuyên rà soát để phát hiện các thủ đoạn mới. Bên cạnh đó, người dân cũng phải nâng cao nhận thức, phối hợp cùng cơ quan chức năng phát hiện các hành vi vi phạm. Về lâu dài, cần có một nền sản xuất phát triển, một kênh phân phối tốt từ sản xuất đến người tiêu dùng và phải có một hành lang pháp lý đủ mạnh. Đây vẫn là “điểm nghẽn” của chúng ta từ lâu. Làm sao khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi thực phẩm sạch từ trang trại, đồng ruộng tới bàn ăn.



Lê Nghĩa - Hữu Vinh - Nam Hoàng
Vì sao đùi gà Mỹ có giá rẻ “bất ngờ”?
Vì sao đùi gà Mỹ có giá rẻ “bất ngờ”?

Trong thời gian qua, đùi gà Mỹ được nhập về bán ở Việt Nam với giá rẻ bất ngờ 20.000 đồng/kg, khiến nhiều người tiêu dùng đặt ra câu hỏi chất lượng loại gà này như thế nào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN