Trong những ngày đầu tháng 10, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phát hiện một số thương lái ở Thanh Hóa lạm dụng chất Ethephon (còn gọi "thúc chín tố") để bảo quản thịt gia súc, gia cầm sau giết mổ nhằm giữ độ tươi. Trước đó, cuối tháng 9, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cơ quan chuyên môn phát hiện nhiều hộ kinh doanh thịt lợn dùng chất bột màu trắng (chất tẩy đường) để “làm sạch” thịt nhanh, giữ thịt có sắc tươi mới. Theo nhiều nhà chuyên môn, người ăn phải thịt có ướp Ethephon sẽ bị lở loét, xót mắt; nếu có tiếp xúc trực tiếp với da sẽ ăn mòn da, gây sưng, đỏ da...
Thực ra, việc sử dụng chất Ethephon để bảo quản thịt gia súc gia cầm không phải chỉ xuất hiện ở Thanh Hóa, mà ở tỉnh nào, địa phương nào cũng có. Chỉ có điều, lần này nó thực sự trở nên bức xúc bởi sự việc diễn ra ở quy mô lớn, với công nghệ tinh vi và với loại thực phẩm khá phổ biến đối với người tiêu dùng. Theo thống kê, trung bình mỗi ngày, người dân TP Hồ Chí Minh tiêu thụ hơn 400 tấn thịt gia súc, gia cầm. Trong khi cơ quan chức năng chỉ kiểm soát được khoảng 90% lượng thịt. Như vậy có nghĩa là, vẫn còn 40 tấn thịt gia súc, gia cầm không được kiểm soát. Còn theo công bố mới đây của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện cả nước có trên 30.000 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có tới 70% không có giấy phép và lực lượng thú y chỉ mới kiểm soát được chưa đến 1/3 tổng số lò mổ đang hoạt động.
Đây chính là kẽ hở để một số người kinh doanh thiếu đạo đức bất chấp tất cả. Bên cạnh việc chọn mua gia súc, gia cầm khỏe mạnh, họ còn thu mua gia súc, gia cầm có nguy cơ mắc bệnh với giá thấp, tập kết về các địa phương lân cận, rồi giết mổ, sau đó mới vận chuyển thịt thương phẩm vào thành phố. Chính vì thế, trong số 735 mẫu thịt gia súc, gia cầm được kiểm tra mới đây của Cục Thú y, có tới hơn 61% mẫu không đạt tiêu chuẩn, chủ yếu là nhiễm vi sinh vật gây hại.
Kết quả giám sát của 54 chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm trên cả nước với 24.000 mẫu thực phẩm, thì có đến gần một nửa mẫu thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Tỷ lệ nhiễm các vi khuẩn gây tả và ngộ độc cũng khá cao, chiếm trên dưới 20%. Hàng loạt những vụ việc về thực phẩm bẩn, nhiễm chất độc xuất hiện ngày càng nhiều. Mỗi năm, cả nước có đến 15.000 người mắc căn bệnh ung thư, một phần không nhỏ mắc bệnh là do hàng ngày họ sử dụng thực phẩm còn tồn dư hóa chất gây hại cho sức khỏe.
Lại càng bức xúc hơn khi đặt sự việc này bên cạnh một loạt mô hình chăn nuôi tiên tiến, sản xuất thịt sạch cung cấp cho thị trường. Đó là việc các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm đủ tiêu chuẩn cũng bị vạ lây khi thực phẩm sạch do cơ sở họ sản xuất bị thực phẩm bẩn trà trộn vào, khiến người tiêu dùng mất lòng tin và không phân biệt đâu là thịt sạch, thịt bẩn. Thực tế cho thấy, ngay tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, rất nhiều cơ sở giết mổ đủ tiêu chuẩn đang có nguy cơ chết yểu và phải đóng cửa bởi không thể cạnh tranh nổi với giết mổ lậu.
Đáng kể hơn cả là vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ tác động đến người tiêu dùng trong nước mà còn làm ảnh hưởng đến các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đóng hộp xuất khẩu của Việt Nam. Việc các thị trường châu Âu, Nhật Bản… liên tục cảnh báo về sản phẩm thịt xuất khẩu của Việt Nam vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm hay nhiễm dư lượng kháng sinh, không những làm thiệt hại về mặt kinh tế mà hơn thế còn làm mất uy tín với các bạn hàng truyền thống.
Nêu những con số đáng buồn trên để thấy rằng, việc xử lý thịt bẩn đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Bởi nó không chỉ gây hại cho người tiêu dùng, mà còn gây hại cho chính những người chăn nuôi chân chính và bóp chết ngành thực phẩm sạch. Đã đến lúc phải nhận thức rằng, hành vi sản xuất thực phẩm bẩn là tội ác, mà đã là tội ác thì phải kiên quyết trừng trị, loại bỏ.
Yến Nhi