Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Sóc Trăng, đến hết tháng 6/2019, thiên tai, sạt lở đã gây ảnh hưởng lớn đến hàng trăm hộ dân. Toàn tỉnh có trên 260 m bờ bao, bờ sông bị sạt lở, tập trung chủ yếu ở vùng ven sông Hậu thuộc huyện Kế Sách, Long Phú, ven biển thuộc thị xã Vĩnh Châu; sạt lở đã làm sập 2 căn nhà ở Kế Sách và Long Phú, nhiều hộ dân bị mất đất, hoa màu.
Chỉ tính trong tháng 6, trên địa bàn các huyện Kế Sách, Long Phú đã xảy ra 3 vụ sạt lở nghiêm trọng: Vụ sạt lở tại vàm kênh Rạch Sấu, đoạn sông Kế Sách thuộc ấp Mỹ Yên, xã Nhơn Mỹ ngày 11/6 đã làm sạt lở nghiêm trọng một đoạn có chiều dài 35 m, độ sâu hơn 10 m, sâu vào bờ 30 m, gây thiệt hại nhà cửa của một số hộ dân. Ước tổng thiệt hại của vụ sạt lở này là hơn 600 triệu đồng. Vụ sạt lở tại xã Phú Hữu, huyện Long Phú làm sạt lở một đoạn dài 30 m, sâu gần 10 m, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Thiên tai, dông lốc đã làm 115 căn nhà của người dân Sóc Trăng bị ảnh hưởng, trong đó sập hoàn toàn 26 căn, còn lại là tốc mái, hư hại, khiến 2 người bị thương. Do ảnh hưởng của mưa nhiều và áp thấp nhiệt đới, 8.299 ha lúa, rau màu ở các địa phương trong tỉnh bị thiệt hại, ảnh hưởng nặng.
Toàn tỉnh Sóc Trăng đã có trên 930 ha lúa bị thiệt hại trên 70% do mưa ngập, sập đổ, không thu hoạch được; 281 ha bị thiệt hại từ 30% đến 70%; hơn 1.050 ha bị giảm năng suất dưới 30%. Ngoài ra, hơn 2.142 ha rau màu bị thiệt hại do mưa ngập, trong đó có hơn 2.100 ha hành tím ở Vĩnh Châu bị ngập nước, thiệt hại nặng về năng suất. Ước tổng thiệt hại tình hình thiên tai sạt lở trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay khoảng 6,45 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, trong những tháng cuối năm 2019, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ các cấp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong công tác phòng chống thiên tai, hạn chế thiệt hại cho người dân. Bên cạnh đó, các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng thủy văn nắm bắt thông tin dự báo, cảnh báo; huy động tối đa lực lượng khi cần thiết để ứng phó thiên tai có hiệu quả, nhất là phương án thực hiện "4 tại chỗ" khi thiên tai xảy ra.