Thiệt hại nhiều nhất là các huyện Đất Đỏ và Xuyên Mộc, mỗi địa phương có 15 căn nhà bị tốc mái, huyện Long Điền 12 căn. Trên địa bàn tỉnh có hơn 71 ha hoa màu, cây ăn quả, cây lâu năm bị ảnh hưởng với mức độ không quá nghiêm trọng.
Riêng thành phố Vũng Tàu có 6 tàu cá loại nhỏ (dưới 20CV) bị chìm và 1 tàu đứt neo trôi chưa tìm được. Lực lượng tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn đã kịp thời cứu được 5 ngư dân đưa về bờ an toàn vào sáng 26/11 khi họ cố cứu ghe bị chìm ở Bãi Trước, thành phố Vũng Tàu chiều tối 25/11.
Bên cạnh đó, trên địa bàn còn có hơn 100 cây xanh các loại bị gãy đổ, trong đó một cây xà cừ trên 100 năm tuổi bị bật gốc đè nát trạm biến thế ở góc đường Lý Thường Kiệt-Trương Công Định.
Ngay từ sáng sớm 26/11, lực lượng chức năng của tỉnh đã tập trung sửa chữa lưới điện, hệ thống viễn thông, dọn dẹp cây đổ, rác trên các tuyến phố. Các đơn vị Bộ đội Biên phòng cử cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn phụ trách giúp người dân lợp lại nhà. Các trường học trên địa bàn cũng tích cực dọn dẹp, cưa cắt cây đổ, sửa chữa mái ngói bị tốc để đón học sinh trở lại học vào ngày 27/11.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Điện lực tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, lưới điện trên địa bàn thành phố Vũng Tàu bị thiệt hại nặng nhất với nhiều điểm bị mất điện diện rộng. Đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng công nhân kỹ thuật khẩn trương sửa chữa, dự kiến trong ngày hôm nay (26/11) sẽ hoàn thành, cấp điện trở lại. Trước đó, ngay sau khi bão tan, các huyện, thành phố, thị xã của tỉnh bị thiệt hại nhẹ đã được ngành Điện lực khẩn trương khắc phục sự cố và đóng điện trở lại ngay trong đêm.
Ông Nguyễn Xuân Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ môi trường và Công trình đô thị thành phố Vũng Tàu cho biết, đơn vị đã huy động toàn bộ 500 công nhân và thuê gần 100 lao động thời vụ để dọn dẹp cành lá, rác trên các tuyến phố và dự kiến phải 3 ngày mới dọn xong.
Bên cạnh đó, các đơn vị viễn thông, cấp nước cũng đang tích cực khôi phục lưới cáp, nước để phục vụ khách hàng trong ngày 26/11.