Trên cả nước đã có nhiều trung tâm nuôi dưỡng con em là nạn nhân da cam của những cựu chiến binh nhiễm chất độc hóa học trong những năm kháng chiến. Nhờ đó, gia đình các nạn nhân được san sẻ bớt gánh nặng, con em họ được điều trị y tế, phục hồi chức năng…
Theo ông Hồ Sĩ Hải, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng bán trú, phục hồi chức năng và dạy nghề cho trẻ da cam tỉnh Thái Bình, mặc dù được thành lập từ năm 2007 nhưng ban đầu Trung tâm không có trụ sở. Khắc phục khó khăn, 5 năm qua, Trung tâm đã dạy nghề và tìm việc cho khoảng 500 trẻ em là nạn nhân chất độc da cam/điôxin. Nhiều em sau quá trình học và làm việc, đã chọn được người bạn đời và lập gia đình, có con cái, thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, việc thiếu một trụ sở cố định khiến công tác nuôi dưỡng và dạy nghề cho trẻ em là nạn nhân chất độc da cam gặp rất nhiều khó khăn.
Nhờ nỗ lực của ông Hải và được sự ủng hộ của nhiều tấm lòng hảo tâm, đến nay Trung tâm nuôi dưỡng bán trú, phục hồi chức năng, dạy nghề cho trẻ em nạn nhân chất độc da cam Thái Bình đã được ổn định về cơ sở vật chất. Trung tâm có khuôn viên rộng 4.500 m2 ở phố Trần Lãm (phường Trần Lãm, TP Thái Bình), với tòa nhà 3 tầng, 18 phòng chức năng, trong đó có 2 phòng tập phục hồi chức năng, 1 phòng dạy nghề may, 1 phòng dạy nghề mài đá quý, còn lại là phòng ở cho các nạn nhân. Đây là cơ sở được xây dựng bằng 10 tỷ đồng, do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ, máy may được Công ty may Hải Dương đầu tư, xe lăn do Hội Cứu trợ tàn tật trẻ em TP Hồ Chí Minh hỗ trợ, máy mài đá do Tỉnh hội trích quỹ để đầu tư.
Kể từ tháng 8/2012, trung tâm bắt đầu đón nhận con của các cựu chiến binh nhiễm chất độc da cam tỉnh Thái Bình về nuôi dưỡng và dạy nghề. Trung tâm hiện nay đã nhận nuôi dưỡng bán trú cho 18 trường hợp là những nạn nhân bị bệnh rất nặng, trong đó có những trường hợp mồ côi, không người nuôi dưỡng, nếu không có trung tâm đón nhận về thì không biết cuộc sống sẽ ra sao.
Điển hình như cảnh ngộ của chị Đỗ Thị Chung và anh Đỗ Văn Minh - hai nạn nhân là con của thương binh Đỗ Văn Nghĩ (thôn Cao Mộc, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Sau khi bố mẹ lần lượt qua đời, anh chị đã được đưa về trung tâm nuôi dưỡng.
Hiện nay, vẫn còn hàng nghìn con em của các cựu chiến binh bị di chứng chất độc da cam cần được giúp đỡ. Vì thế, ông Hải rất trăn trở vì điều kiện cơ sở vật chất hiện nay của trung tâm không thể đáp ứng được nhiều hơn.
Chia sẻ về hướng phát triển trong tương lai, theo ông Hải, trung tâm đặt mục tiêu sẽ phát triển 4 phân xưởng: cắt may, mài đá trang sức, tranh ghép gỗ và dạy móc hộp để đào tạo nghề và sản xuất ra các sản phẩm được thị trường tiêu thụ, mang lại thu nhập cho các học viên là nạn nhân chất độc da cam. Nhờ đó, trung tâm cũng có thêm kinh phí để hỗ trợ và đầu tư cho việc chăm sóc, điều trị, học nghề.
Theo Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam, tính đến nay, Hội đã cấp tiền cho các hội địa phương xây dựng 17 trung tâm bán trú nuôi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng, dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam ở các tỉnh, thành phố. Mỗi địa phương, Hội cấp 500 triệu đồng để tạo tiền đề cho việc thu hút sự quan tâm và ủng hộ của toàn xã hội.
Đặc biệt, hiện nay, Hội đang vận động quyên góp để triển khai xây dựng 3 trung tâm vùng ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Việc xây dựng các trung tâm vùng sẽ tạo điều kiện tiếp nhận nhiều nạn nhân hơn và để có điều kiện chăm sóc các nạn nhân được tốt hơn. Tuy nhiên, theo ông Mai Thế Chính, Trưởng ban Tuyên truyền VAVA, việc thành lập trung tâm địa phương, trung tâm vùng và duy trì hoạt động của các trung tâm cần sự góp sức nhiều hơn của toàn xã hội.
Mạnh Minh