Cùng với những chính sách của Đảng, Nhà nước, trong nhiều năm qua, cộng đồng, xã hội đã có nhiều hình thức, hoạt động san sẻ khó khăn với các nạn nhân, gia đình nạn nhân chất độc da cam/điôxin (nạn nhân da cam) Việt Nam.
Những nghĩa cử cao đẹp
Khó khăn chồng chất đối với nạn nhân da cam và gia đình họ. Tuy nhiên, họ không đơn độc bởi ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước hướng về họ bằng những hỗ trợ về kinh tế, những chia sẻ động viên về tinh thần, sự sát cánh với các nạn nhân trong cuộc đấu tranh đòi công lý.
Triệu nạn nhân, triệu nỗi đau
Chiến tranh đã lùi xa, những nỗi đau da cam vẫn còn hiện diện qua hàng triệu số phận nạn nhân chất độc da cam. Theo những số liệu gần đây, chất độc da cam/điôxin đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Nhiều nạn nhân là thế hệ thứ hai, thứ ba. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã qua đời trong đau đớn.
Hai trong số 4 người con của thương binh Nguyễn Văn Bồng (tỉnh Quảng Trị) bị nhiễm chất độc da cam/điôxin. |
Còn hàng trăm nghìn người khác đang từng ngày, từng giờ vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Nhiều trẻ em sinh ra bị dị dạng, sống đời sống thực vật… Đại diện Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam (VAVA) cho rằng, họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ.
Tuy nhiên, đó vẫn là bức tranh chưa đầy đủ về những nạn nhân chất độc da cam/điôxin của Việt Nam. Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với VAVA đang tiến hành một cuộc tổng điều tra về nạn nhân chất độc da cam/điôxin để có những đánh giá đầy đủ hơn để từ đó có những chính sách hỗ trợ tốt hơn đối với họ.
Để giúp nạn nhân, các gia đình nạn nhân vơi bớt khó khăn, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách đối với nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/điôxin. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có hơn 200.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chính sách ưu đãi. Đồng thời, có trên 50% số hộ gia đình có người tàn tật và nạn nhân da cam được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí.
Cùng với việc ban hành các chính sách, Nhà nước đã dành những khoản chi phí lớn hàng năm để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe nạn nhân, triển khai các dự án tẩy độc cho nạn nhân và phục hồi môi trường sinh thái.
Xã hội hóa công tác chăm sóc nạn nhân
Cảm thông với nỗi đau của những nạn nhân da cam, nhân dân trong nước cùng bạn bè quốc tế thời gian qua thường xuyên quan tâm giúp đỡ họ trong cuộc sống về vật chất và tinh thần. Đơn cử, ở làng Hữu nghị Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) do Hội Cựu chiến binh Việt Nam quản lý, gần chục năm qua đã duy trì việc luân phiên đưa các cựu chiến binh về đây nghỉ dưỡng trong 2 tháng để điều trị. Nơi đây cũng đang nuôi dưỡng miễn phí 120 trẻ em bị chất độc da cam từ tỉnh Quảng Trị trở ra.
TTXVN quyên góp gần 5 tỷ đồng ủng hộ nạn nhân da cam Thành lập năm 2006, Quỹ “Vì nỗi đau da cam” của TTXVN đến nay đã quyên góp được 4 tỷ 780 triệu đồng cùng nhiều hiện vật như 110 xe lăn, 8 thùng thuốc bổ dưỡng… để ủng hộ nạn nhân da cam. Từ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, Quỹ đã chi tặng 4 tỷ 165 triệu đồng và 83 xe lăn, 8 thùng thuốc bổ dưỡng. Trong đó, Quỹ đã đến thăm hỏi trực tiếp, tặng quà bằng tiền cũng như hiện vật như bò sinh sản, xe lăn, thuốc bổ dưỡng, thiết bị nha khoa và máy vi tính cho 3.100 nạn nhân chất độc da cam/điôxin tại 63 tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, Quỹ đã và đang xây dựng 41 nhà tình thương để tặng nạn nhân chất độc da cam tại nhiều tỉnh; giúp đỡ một số Hội nạn nhân chất độc da cam và Trung tâm giáo dục người tàn tật các địa phương. Trong dịp kỷ niệm 51 năm ngày thảm họa da cam/điôxin (10/8/2012), Quỹ đã trao tặng quà 100 triệu đồng cho hơn 120 lượt nạn nhân tại 18 tỉnh, thành; trao tặng 5 triệu đồng cho Quỹ “Sơn Lâm và những người bạn”; trao tặng 3 xe lăn cho 3 nạn nhân tại Hà Nội; trao tặng 10 căn nhà tương đương 310 triệu đồng cho các nạn nhân. |
Với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân da cam, từ khi thành lập (năm 2004) đến tháng 6/2012, VAVA đã huy động được hơn 500 tỷ đồng để hỗ trợ các nạn nhân da cam. Nguồn kinh phí này được các cấp hội hỗ trợ cho các hoạt động sửa chữa nhà, làm nhà mới, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình nạn nhân, trợ giúp học bổng, tìm việc cho con em họ, xây các trung tâm nuôi dưỡng nạn nhân ở các địa phương. Trong đó, trên 150 tỷ đồng được sử dụng để khám chữa bệnh, trợ cấp khó khăn, vốn sản xuất, học bổng, tìm việc làm; hơn 64 tỷ đồng làm và sửa chữa nhà cho trên 2.000 hộ gia đình…
Riêng trong 1 năm qua, hơn 3.500 lượt tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước đã ủng hộ bằng tiền, quà tặng cùng 402.000 lượt người tham gia Chương trình Nhắn tin “Nỗi đau da cam” qua Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia, quyên góp được hơn 150 tỷ đồng cho các chương trình hỗ trợ những số phận bất hạnh do chất độc da cam gây nên.
Không chỉ hỗ trợ về vật chất, bạn bè thế giới còn có nhiều nghĩa cử ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam trong đấu tranh đòi công lý. Ngày 28/6/2012, Hội Luật gia dân chủ thế giới (IADL) đã bảo trợ cho VAVA đưa vấn đề quyền sống của nạn nhân da cam Việt Nam ra khóa họp lần thứ 20 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ở Giơnevơ (Thụy Sĩ). Tổ chức IADL đã ra lời kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam. Ngày 22/7, Hội đồng Hòa bình thế giới họp tại Nêpan, đã ra nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam…
Lãnh đạo VAVA cho biết, Bộ Chính trị đã khẳng định: “Giải quyết hậu quả chất độc da cam/điôxin là vấn đề lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất cấp bách hiện nay... Do vậy, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có những biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết có hiệu quả vấn đề phức tạp này”. Chính những hành động của cộng đồng trong nước và bạn bè quốc tế đã cho thấy, nhân loại tiến bộ vẫn đang nỗ lực để bù đắp và sẻ chia với các nạn nhân da cam Việt Nam.
Mạnh Minh