Thêm 184 lao động Việt tại Libya đã về nước

Vào hồi 13 giờ 30 phút ngày 10/8, 184 lao động Việt Nam làm việc tại Libya do Công ty Vinamec và đối tác Hyundai Engineerning (Hàn Quốc) đưa đi, đã về nước tại sân bay Quốc tế Nội Bài (Hà Nội).

Có mặt tại sân bay đón người lao động về nước, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, vấn đề bảo đảm an toàn cho người lao động được đặt lên hàng đầu. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Libya và các nước lân cận để tính phương án đưa lao động về nước, chủ yếu bằng đường hàng không. Ưu tiên trước mắt là đưa lao động ở vùng chiến sự ra khỏi Libya, phấn đấu trong tháng 8 sẽ cơ bản đưa tất cả số lao động này về nước.

Nhóm công nhân lao động ở Libya về đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất chiều 9/8. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN


Bộ trưởng khẳng định theo chính sách chung, Bộ sẽ có hỗ trợ đối với các lao động như: cho vay vốn, hỗ trợ việc làm cho người lao động.

Thông tin về tình hình lao động tại Libya, ông Lương Thanh Quảng, Trợ lý Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao nêu rõ: khó khăn lớn nhất khi đưa lao động Việt Nam về nước là lao động của ta làm việc ở nhiều vùng rải rác. Tuy nhiên, hầu hết các lao động đều ở khu vực an toàn, không có chiến sự xảy ra nên chưa có vấn đề gì phát sinh. Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội để có các phương án sơ tán. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên diện rộng, lao động Việt Nam sẽ được sơ tán qua cửa khẩu các nước lân cận. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo cơ quan đại diện thường xuyên liên hệ với cơ quan sở tại, trong trường hợp khẩn cấp sẽ giải quyết.

Giải đáp thông tin về vụ 3 lao động hiện đang mất tích, ông Lương Thanh Quảng chia sẻ: Hiện Bộ Ngoại giao và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang tiến hành xác minh vấn đề này. Theo tin của các cơ quan đại diện, 3 lao động này đã tự ý bỏ ra ngoài. Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở sở tại và chủ sử dụng lao động để tìm kiếm họ.

184 lao động Việt Nam và 2 cán bộ của chủ sử dụng lao động Hyundai Engineerning về nước hôm nay, trước đó đã được Hyundai Engineerning thuê máy bay của hãng hàng không nước ngoài chở từ Libya sang Cairo (Ai Cập), sau đó nhà thầu này phối hợp Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam chở từ Cairo (Ai Cập) về nước.

Theo kế hoạch, 13 giờ 50 phút ngày 11/8, chuyến bay thứ hai chuyên chở 254 lao động Việt Nam từ sân bay Quốc tế Cairo sẽ hạ cánh tại sân bay Nội Bài.

Cùng giờ trên ngày 12/8, chuyến bay thứ ba chở 244 lao động sẽ về tới Việt Nam .


Giám đốc điều hành Công ty Vinamec Nguyễn Việt Hải cho biết: Công ty Vinamec đã bố trí 4 xe ô tô để đưa lao động từ sân bay ra các bến xe để về quê. Số lao động này sẽ được công ty hỗ trợ lộ phí 1 triệu đồng/người.

Phía Hyundai đã bảo đảm trả lương cho người lao động đến ngày cuối cùng. Thời gian tới, công ty sẽ ưu tiên lao động trở về từ Libya đi làm việc theo các đơn hàng khác của công ty miễn phí. Ngoài ra, phía Hyundai cũng có nhiều dự án ở nước ngoài và ưu tiên cho lao động Việt Nam làm việc ở dự án của họ trên thế giới.

Tính đến hết ngày 10/8, đã có 453 lao động Việt Nam tại Libya về nước.


Phúc Hằng

Gần 200 lao động Việt Nam đã rời Libya bằng đường không
Gần 200 lao động Việt Nam đã rời Libya bằng đường không

Gần 200 lao động Việt Nam đã được sơ tán khỏi Libya bằng các chuyến bay thuê riêng đến Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN