Thay đổi 'nền' tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Ngày 22/12, tại Hà Nội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Năm 2018, đóng và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội như thế nào?”.

Mức đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp không tăng nhiều

Từ 1/1/2018, nhiều điều khoản quan trọng của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 chính thức có hiệu lực. Một trong số đó là “nền” tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ thay đổi tại các đơn vị, doanh nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

Khách hàng giao dịch tại bộ phận “Một cửa” Bảo hiểm Xã hội tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, hiện nay, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: mức lương và phụ cấp lương. Tuy nhiên, từ 1/1/2018, mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ căn cứ vào ba khoản gồm: tiền lương, phụ cấp lương và các khoản thu nhập bổ sung ổn định. Chính sách này nhằm giải quyết tình trạng người lao động khi đi làm có thu nhập tốt nhưng khi nghỉ hưu lại có mức lương thấp do mức đóng bảo hiểm xã hội thấp.

Thứ trưởng Lê Quân chỉ rõ, trên hợp đồng lao động, hai khoản thể hiện rõ nhất là lương và các loại phụ cấp như: phụ cấp độc hại, phụ cấp chức vụ…, đã bao gồm phần lớn thu nhập cơ bản của người lao động. Từ 1/1/2018, chỉ thêm các khoản thu nhập bổ sung khác có tính chất ổn định. Ngoài ra, nhiều khoản phụ cấp không được tính trong đóng bảo hiểm xã hội như: thưởng, lương năng suất, tiền điện thoại, xăng xe, tiền ăn trưa… bởi đây là thu nhập bổ sung phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người lao động.

“Về cơ bản, mức đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp khi thực hiện quy định này không tăng nhiều, thậm chí nhiều doanh nghiệp không có sự thay đổi”, Thứ trưởng Lê Quân nêu.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, hiện nay, tỷ trọng đóng bảo hiểm xã hội cao nhưng “nền” đóng rất thấp khi hầu hết các doanh nghiệp đóng trên tiền lương tối thiểu; dẫn đến tình trạng doanh nghiệp kêu ca nhưng tiền lương hưu của người lao động vẫn thấp. Điều này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, quy định đóng trên tiền lương thực tế, thu nhập của người lao động để tích lũy tiền lương hưu cao hơn, đảm bảo đời sống tốt hơn.

Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin thêm, cơ quan này đã có sự chuẩn bị đầy đủ khi quy định “nền” tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các đơn vị, doanh nghiệp chính thức có hiệu lực. Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, tập trung cải cách thủ tục hành chính, kê khai đóng bảo hiểm xã hội qua website, đơn giản hóa hồ sơ, mẫu biểu; tập huấn cho đơn vị sử dụng lao động về việc đóng, cấp sổ bảo hiểm xã hội…

Trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể bị xử lý hình sự

Từ ngày 1/1/2018, hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã bổ sung 3 điều luật quy định tội danh riêng đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, cụ thể: Điều 214 quy định về Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; Điều 215 quy định về Tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 quy định về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao xây dựng Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán về quy trình hướng dẫn về ba điều luật trên. Từ đó, có quy trình xử lý, nếu doanh nghiệp không chấp hành quyết định xử lý vi phạm của cơ quan thanh tra ngành, Tòa án sẽ tiếp tục xử phạt vi phạm hành chính. Nếu doanh nghiệp vẫn không chấp hành sẽ bị phạt tù từ 1 đến 10 năm.

Thứ trưởng Lê Quân cho biết thêm, tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội rất đa dạng, dưới nhiều hình thức khác nhau. Hiện nay, hệ thống pháp luật đã có xử phạt hành chính. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự đưa ra quy định xử phạt tù đối với những trường hợp: gian lận, gian dối hoặc dùng thủ đoạn. Vấn đề này phải chờ Nghị quyết hướng dẫn. Giải pháp hình sự nhằm xử lý trường hợp vi phạm để làm gương, đòi hỏi doanh nghiệp tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, việc bổ sung ba điều luật quy định tội danh riêng đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội vào Bộ luật Hình sự 2015 nhằm đảm bảo sự công bằng trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; nâng cao tính tuân thủ pháp luật đồng thời thể hiện mối quan hệ hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Phan Phương (TTXVN)
Chính sách bảo hiểm xã hội
Chính sách bảo hiểm xã hội

Hỏi: Nhằm ngăn chặn bội chi quỹ bảo hiểm y tế, thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo gì?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN