Nếu Luật được Quốc hội thông qua thì từ năm 2020, cơ quan thuế có thể sẽ thực hiện đồng thời thu thuế và thu các khoản BHXH bắt buộc của các đơn vị sử dụng lao động.
Trong ảnh: Doanh nghiệp làm thủ tục mở tờ khai hàng hóa XNK tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN. |
Một số chuyên gia trong lĩnh vực thuế cho rằng, đề xuất hợp nhất trên của Bộ Tài chính có thể giúp giảm chi phí quản lý thuế và đầu mối phụ trách vấn đề thuế cũng đơn giản hơn. Còn phía doanh nghiệp cũng có thể tiết kiệm được phần nào chi phí tuân thủ với chính sách thuế và BHXH.
Đại diện cơ quan soạn thảo dự luật cho rằng, theo quy định hiện hành, phạm vi điều chỉnh chỉ quy định quản lý và thu các khoản thuộc NSNN. Tuy nhiên, thực tiễn phát sinh đòi hỏi ngoài các khoản phải thu NSNN thì còn phải thu các khoản khác ngoài NSNN. Một trong các khoản đó là các khoản bảo hiểm mang tính chất bắt buộc đối với đơn vị sử dụng lao động. Hiện nay, trước yêu cầu của xã hội là phải cải cách thủ tục hành chính (TTHC) một cách mạnh mẽ, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, cơ quan thuế tiến hành quản lý thu thuế và BHXH là phù hợp với xu thế quốc tế.
“Định hướng này nhằm cải cách mạnh mẽ TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và đóng BHXH; cắt giảm và đơn giản hóa TTHC. Cụ thể, đơn vị sử dụng lao động chỉ khai và nộp thuế và BHXH tại một cơ quan thay vì hai cơ quan như trước đây. Hơn nữa, việc làm này cũng rút ngắn thời gian thực hiện TTHC cho đơn vị sử dụng lao động như giảm thời gian kê khai thuế và BHXH. Trước đây, một đơn vị sử dụng lao động phải mất thời gian kê khai thuế cho cơ quan thuế và BHXH cho cơ quan BHXH. Nay, đơn vị sử dụng lao động chỉ cần khai thuế và BHXH trên cùng một tờ khai và nộp cho cơ quan thuế.
Việc làm này cũng đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh; giảm thiểu thanh tra, kiểm tra việc khai và nộp thuế và BXHH của đơn vị sử dụng lao động. Minh bạch hóa TTHC và tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp...
Tại dự thảo, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án giải quyết. Thứ nhất, có thể giữ như hiện hành nhưng cơ quan thuế và cơ quan BHXH thực hiện phối hợp quản lý và thu BHXH, theo quy chế phối hợp đã ký giữa Tổng cục Thuế và BHXH Việt Nam. Thứ hai, cơ quan thuế thực hiện nhiệm vụ thu các khoản bảo hiểm mang tính chất bắt buộc đối với đơn vị sử dụng lao động.
Ở phương án 1, Bộ Tài chính cho rằng, việc phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan BHXH thời gian qua đã có những kết quả nhất định, tuy nhiên, vẫn chưa đạt như mong muốn của sự phối hợp.
Điều này là do giữa thuế và BHXH hiện nay còn có nhiều sự khác biệt như: thời gian khai, nộp; căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân và căn cứ tính BHXH… Thực tế này dẫn đến sự phối hợp không thể triệt để và chưa đạt hiệu quả mong muốn. Theo số liệu năm 2016, số lượng đơn vị sử dụng lao động do cơ quan thuế quản lý vào khoảng gần 600.000 đơn vị, cao hơn nhiều so với số lượng đơn vị sử dụng lao động do cơ quan BHXH quản lý (khoảng hơn 300.000 đơn vị). Còn theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện nay tỷ lệ người tham gia BHXH ở Việt Nam hiện vẫn rất thấp, cụ thể có 54 triệu lao động, trong đó chỉ hơn 13 triệu lao động tham gia đóng BHXH.
“Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án 2. Nếu thu thuế và BHXH về một mối, sẽ cần thời gian để ngành thuế cập nhật nghiệp vụ BHXH và sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của 2 cơ quan, số lượng lao động dôi dư”, đại diện Bộ Tài chính nói.