Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội mang tính chia sẻ hơn

Ngày 29/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Tổ chức lao động thế giới tại Việt Nam (ILO) đã tổ chức hội thảo quốc tế về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Bàn chủ trì hội thảo. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng: Sau hơn hai thập kỷ thực hiện Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995 của Chính phủ, chính sách BHXH ở Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn cải cách và phát triển, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Luật Bảo hiểm xã hội đã được Quốc hội ban hành năm 2006 và tiếp tục hoàn thiện năm 2014, quy định đầy đủ về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.

Đến nay, cả nước đã có trên 14,6 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Hàng năm, có từ 4 đến 5 triệu lượt người được hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn và khoảng 150.000 người hưởng mới các chế độ BHXH dài hạn; gần 3 triệu người cao tuổi được hưởng lương hưu và BHXH hàng tháng. Nếu tính cả đối tượng hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có công thì có trên 50% người cao tuổi ở Việt Nam được hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, chính sách bảo hiểm xã hội vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Diện bao phủ BHXH còn ở mức thấp so với các nước; Quỹ bảo hiểm xã hội vẫn tiềm ẩn nguy cơ về mất cân đối trong trung và dài hạn, nhất là trong bối cảnh về già hóa dân số, sự chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm do tác động của yếu tố hội nhập kinh tế, biến đổi khí hậu và cách mạng công nghiệp 4.0; các chế độ BHXH còn chưa đa dạng và linh hoạt nên thiếu hấp dẫn; hồ sơ, thủ tục thực hiện BHXH còn chưa thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động…

"Thời gian tới, chúng ta cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách BHXH như một công cụ quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội và phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã chỉ rõ định hướng cải cách BHXH theo hướng: Mở rộng đối tượng tham gia, nâng cao hiệu quả của hệ thống, đổi mới cơ chế tài chính, bảo đảm phát triển bền vững quỹ bảo hiểm xã hội. Hoàn thiện chính sách BHXH là một trong những giải pháp quan trọng để tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam đến năm 2030; gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội. BHXH được coi là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần quan trọng trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội với quan điểm tiếp cận BHXH là quyền an sinh xã hội mang tính phổ quát, gắn với mục tiêu mở rộng phạm vi bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp. Tập trung đổi mới mô hình, xây dựng hệ thống BHXH hiện đại, đa tầng, đa dạng các hình thức chế độ, linh hoạt trong thiết kế, chuyên nghiệp trong vận hành gắn với nâng cao chất lượng bảo đảm an sinh xã hội”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo.

Đóng góp về cải cách bảo hiểm xã hội, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng: "Qua theo dõi việc điều chỉnh cách tính bảo hiểm xã hội trong thời gian qua, việc điều chỉnh chính sách BHXH theo hướng kéo dài thời gian đóng, nâng tuổi hưu làm giảm quyền lợi người lao động. Chúng tôi cho rằng, BHXH phải đề ra phương án giảm chi phí quản lý để quỹ, tiết kiệm chi để tăng quỹ. Điểm đáng lưu ý, việc đóng BHXH hiện nay do doanh nghiệp thực hiện nên nếu doanh nghiệp không đóng thì quyền lợi người lao động bị xâm phạm bởi hiện nay không tách bách khoản đóng của người lao động và doanh nghiệp. Do đó, kiến nghị với Chính phủ có quy định tách 2 tài khoản đóng BHXH gồm tài khoản do người lao động đóng và tài khoản do doanh nghiệp đóng. Có như vậy mới đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp”.


Còn ông Nguyễn Văn Định, Trưởng khoa bảo hiểm xã hội Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Chế độ hưu trí thực hiện nguyên tắc đóng hưởng đảm bảo công bằng. Việc mở rộng BHXH theo hướng đa tầng. Thực tế hiện nay có 6 doanh nghiệp tham gia loại hiểm bảo hiểm hưu trí tự nguyện bổ sung với trên 2 triệu hợp đồng. Trong khi loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện do BHXH quản lý chỉ có trên 219.000 người tham gia. Đối tượng tham gia không ổn định và thu nhập thấp do Nhà nước chưa có sự hỗ trợ. Đây là vấn đề đáng quan tâm về mô hình quản lý của cơ quan BHXH hiện nay và cần có sự cải cách.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng: BHXH hiện nay đang vận hành theo nguyên tắc đóng - hưởng và chưa có sự chia sẻ. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa nhiều, trong khi đó gần đây đối tượng rút BHXH một lần có chiều hướng gia tăng. Do đó, việc cải cách chính sách liên quan đến BHXH cần triển khai trong thời gian tới. Để cải cách BHXH thành công đòi hỏi phải thiết kế hệ thống tổng thể, hài hòa và hợp lý trên nhiều phương diện, xem xét cả trên phương diện kỹ thuật và đồng thuận về chính trị trên cơ sở bảo đảm lợi ích chung cả trước mắt và trong trung, dài hạn.

XC/Báo Tin tức
Làm thủ tục như thế nào để hưởng chế độ tử tuất?
Làm thủ tục như thế nào để hưởng chế độ tử tuất?

Bạn đọc hỏi: Doanh nghiệp của tôi vừa có nhân viên bị mất, vậy cần phải làm thủ tục gì để hưởng chế độ tử tuất và có thể nộp thủ qua phần mềm đóng BHXH hiện nay được không?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN