Làm thế nào để tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong việc tìm kiếm công việc phù hợp cho NKT, đó là một câu hỏi khó. Ông Đặng Văn Thanh (ảnh), Phó Chủ tịch Hiệp hội sản xuất kinh doanh NKT (VABED) trò chuyện với phóng viên Báo Tin tức về vấn đề này.
Thưa ông, hiện nay các doanh nghiệp tuyển dụng NKT thường thông qua những đầu mối nào?
Những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thì chủ yếu thông qua sàn giao dịch việc làm, hội việc làm và được đăng thông tin trên các kênh thông tin tuyên truyền. NKT cũng thông qua những hình thức đó để tiếp cận với nhà tuyển dụng. Hiện nay ở Hà Nội có 2 trung tâm giới thiệu việc làm là trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội (trực thuộc Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh TP Hà Nội) và trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội (trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội). Hai trung tâm đó hỗ trợ rất nhiều cho người khuyết tật Hà Nội.
Ở trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, có những phiên giao dịch việc làm lồng ghép với việc tuyển dụng NKT. Trước phiên giao dịch, các đơn vị tuyển dụng bao giờ cũng đăng ký nhu cầu tuyển dụng NKT và số lượng là bao nhiêu. Hội luôn động viên NKT tham gia vào các phiên giao dịch.
Hàng năm thì VABED, Hội Người khuyết tật Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đều tổ chức trưng bầy sản phẩm cũng như sàn giao dịch việc làm. Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cũng có thể thông qua các đầu mối này để tuyển dụng.
Các thí sinh khuyết tật tham gia cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”. Ảnh: SCDI |
Hiện nay có bao nhiêu doanh nghiệp chấp nhận tuyển dụng NKT, thưa ông?
Có rất nhiều doanh nghiệp có NKT đang làm việc. Hiện tại, cả nước có trên 600 doanh nghiệp là hội viên của chúng tôi (doanh nghiệp có nhiều người khuyết tật làm việc). Điển hình như Công ty 27-7 ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, Công ty Chân Thiện Mỹ ở Bắc Ninh, Hợp tác xã Thương binh tình nghĩa hay doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài ngoài Changshin ở Đồng Nai có đến 300 người khuyết tật làm việc…
Những doanh nghiệp trên 30% lao động là NKT sẽ được miễn giảm thuế. Qui định này đã đi vào thực tế như thế nào, thưa ông?
Các doanh nghiệp đó sẽ được rất nhiều ưu đãi. Căn cứ vào các văn bản pháp luật của Nhà nước qui định về cơ sở tiếp nhận NKT vào làm việc, nếu có trên 50% người lao động là NKT thì cơ sở đó sẽ được công nhận là cơ sở sản xuất dành cho NKT và họ sẽ được hưởng những ưu đãi nhất định. Trước đây, một số văn bản có đề ra quy định: mỗi doanh nghiệp phải dành ra 2% số lao động cho NKT. Đơn vị nào không làm được điều đó thì sẽ phải trích tiền ra để dành cho quĩ việc làm. Tuy nhiên trên thực tế, việc này khó thực hiện nên người ta không áp dụng qui định như vậy nữa mà chỉ vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tiếp nhận NKT vào làm việc, khi đó họ sẽ có những ưu đãi.
Việc tuyển dụng NKT của các doanh nghiệp thường gặp phải các khó khăn gì? Về phía NKT cũng gặp phải khó khăn gì?
Theo tôi, doanh nghiệp thường gặp khó khăn về môi trường làm việc để NKT tiếp cận học nghề. Các doanh nghiệp cũng ít có điều kiện đầu tư về công cụ hỗ trợ để NKT làm việc…
Còn khó khăn của NKT thì trước hết là sức khỏe. Một số NKT chưa có tay nghề nên khó đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, vì vậy đa phần doanh nghiệp nhận NKT về lại phải đào tạo lại (điều này gây khó khăn cho cả 2 phía). Tuy nhiên, họ lại có ưu điểm là ít thời gian giao lưu bên ngoài nên tập trung cao cho công việc. NKT có tính độc lập cao nên họ muốn được xã hội tạo điều kiện để tự làm việc.
Điều kiện lao động hiện nay tại các doanh nghiệp có đáp ứng được yêu cầu không thưa ông?
Các doanh nghiệp trong nước thu hút NKT vào làm đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên khả năng kinh tế của họ còn hạn chế, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của NKT. Nhiều NKT ở xa về làm có nhu cầu về nơi ở nội trú, tuy nhiên doanh nghiệp chưa đáp ứng được.Với các công ty nước ngoài thì có phần hiệu quả hơn, ví dụ như họ xây nhà để xe có cầu dốc cho xe lăn.
Xin ông nói rõ hơn về các chính sách của Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để NKT tìm được công việc phù hợp?
Theo luật thì những doanh nghiệp nào có số lao động là NKT chiếm từ 30% tổng số lao động trở lên thì được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho NKT, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh, được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo tỷ lệ lao động là NKT, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô doanh nghiệp. Vấn đề ở đây là làm sao để đưa được chính sách này vào cuộc sống. Bên cạnh sự nỗ lực của chính NKT thì rất cần ý thức tự giác và sự đồng cảm của các doanh nghiệp với NKT.
Hoàng Dương - Tuấn Anh - Tiến Hà