Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030 (gọi tắt là Đề án 641) được kỳ vọng tạo bước ngoặt lớn trong việc nâng cao sức khỏe, tầm vóc người Việt. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện, Đề án đã bộc lộ một số những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục để đạt được hiệu quả thực sự bền vững.
Đề án này được triển khai trong phạm vi toàn quốc, dành cho các bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên, thanh niên đến 18 tuổi. Đề án thực hiện trong 20 năm và chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện trong 10 năm, thí điểm các giải pháp đồng bộ về dinh dưỡng, thể dục thể thao. Giai đoạn 2 sẽ đánh giá thành quả giai đoạn 1 để thực hiện mở rộng trong phạm vi toàn quốc.
Đến thời điểm này, Đề án đã tiến hành khảo sát thực trạng thể dục thể thao trong trường học, thực trạng phát triển thể chất và sức khỏe học sinh tại 2.446 trường (gồm 590 trường mẫu giáo, 912 trường tiểu học, 692 trường trung học cơ sở và 252 trường trung học phổ thông) thuộc 57 tỉnh, thành phố. Công tác tuyên truyền về Đề án cũng đã được triển khai rộng rãi...
Theo Giám đốc Văn phòng Ban điều phối Đề án 641 Đàm Quốc Chính cho biết: Đề án 641 có phạm vi thực hiện rộng nhưng đến nay mới chỉ triển khai được rất ít hoạt động do còn gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là nhân sự của Ban Điều phối và Ban Chủ nhiệm các chương trình thành phần, cán bộ theo dõi Đề án của các Bộ, ngành có nhiều thay đổi, dẫn đến sự chậm trễ, thiếu thống nhất trong quá trình điều hành và triển khai hoạt động.
Thêm vào đó, nhiều nội dung, nhiệm vụ của các chương trình thành phần đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai thực hiện do chưa có kinh phí. Ngoài kinh phí thực hiện các đề tài khoa học và kinh phí duy trì hoạt động của Văn phòng Ban Điều phối, các nguồn kinh phí khác hầu như chưa được triển khai.
Việc huy động nguồn lực xã hội để thực hiện Đề án còn gặp nhiều khó khăn. Giải pháp lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, chính sách trên cùng một địa bàn chưa được thực hiện tốt để đảm bảo các nguồn vốn mang lại hiệu quả cao. Không những vậy, việc thiếu tính đồng bộ khi triển khai Đề án giữa trung ương và địa phương cũng là nguyên nhân dẫn đến đề án chưa thực sự hiệu quả.
Theo ông Đàm Quốc Chính, để đảm bảo Đề án thực hiện có hiệu quả và bền vững, việc cần làm là phải hoàn thiện nhân sự Ban Điều phối Đề án từ Trung ương đến các địa phương. Việc này là cần thiết để tạo sự ổn định về nhân sự chủ chốt thực hiện Đề án.
Ban Điều phối cũng đề nghị các Bộ, Ban, ngành và địa phương đẩy mạnh phối hợp, tăng cường thông tin, tuyên tuyền và thay đổi phương thức tiến hành. Đặc biệt, công tác xã hội hóa cần được đẩy mạnh hơn nữa, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thực hiện Đề án, bố trí hợp lý nguồn kinh phí đối với các hoạt động trọng tâm của mỗi chương trình thành phần.
Trong đó, cần bố trí kinh phí cho các hoạt động trọng tâm của Đề án: Đào tạo cán bộ hạt nhân thực hiện đề án tại cơ sở, thí điểm kết hợp dinh dưỡng và phát triển thể dục thể thao trường học, hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất thể dục thể thao cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới…