Hội thảo thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo địa phương cùng đại diện các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp với mục tiêu tìm kiếm giải pháp đột phá nhằm xây dựng Hạ Long trở thành một cực tăng trưởng kinh tế phía Bắc, một thành phố kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, đồng thời khẳng định vị thế là trung tâm du lịch - di sản đẳng cấp quốc tế.
Ông Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy thông tin, thành phố Hạ Long là vùng đất giàu giá trị di sản và văn hóa, sở hữu kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và trên 95 di tích lịch sử văn hóa khác. Việc chuyển đổi sang kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế di sản đang trở thành xu thế tất yếu, khách quan và là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia, địa phương trên thế giới nhằm phát triển thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và bảo đảm an toàn công bằng về xã hội.
Bí thư Thành ủy Hạ Long khẳng định để vươn mình thành công và bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, rất cần sự thống nhất về tư duy, nhận thức, bồi đắp về niềm tin; sáng tỏ về tầm nhìn chiến lược và nỗ lực hành động của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản sẽ là động cơ, động lực dẫn dắt nền kinh tế thành phố bứt phá trong giai đoạn tới, trở thành hình mẫu phát triển tiên phong, tiêu biểu của tỉnh và đất nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra thực trạng trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế di sản của thành phố Hạ Long; xây dựng kế hoạch tích hợp chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế di sản một cách hiệu quả, thực chất vào các mục tiêu và định hướng quan trọng của Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2025-2030; các đề án, kế hoạch, chương trình hành động ưu tiên của thành phố trong giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2040…
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, thành phố Hạ Long nên sớm có chương trình khảo sát, nghiên cứu để nhận diện sâu, đánh giá tổng thể, toàn diện hơn về sự phân bố, trữ lượng, tiềm năng, giá trị văn hóa của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; các loại hình di sản trên địa bàn thành phố để có kế hoạch bảo tồn, chuyển hóa thành nguồn lực, nguồn tài nguyên, giá trị tương hỗ cho Di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long. Mục tiêu căn bản là không ngừng tạo ra các giá trị mới cho sự phát triển của kinh tế di sản, đồng thời tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hạ Long…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Trước những thách thức trong việc bảo tồn, phát triển di sản vịnh Hạ Long hiện rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của chính quyền, các cấp, ngành và người dân trong việc phối hợp quản lý, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị của di sản vịnh Hạ Long một cách bền vững.
Các tham luận, ý kiến phát biểu, thảo luận nêu bật và khẳng định xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản đang trở thành xu thế tất yếu, khách quan, không thể đảo ngược và là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia, lãnh thổ, địa phương trên thế giới nhằm phát triển thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và đảm bảo an toàn công bằng về xã hội... Qua đó khẳng định Hạ Long là địa bàn có vị trí, tiềm năng, thế mạnh nổi trội để phát triển kinh tế. Những thành công của thành phố thời gian qua là tiền đề quan trọng để Hạ Long thực hiện thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.