Để có ánh sáng, các hộ gia đình đã sử dụng đèn dầu, đèn pin, người dân sống tại các khu vực này mong một ngày nào đó sẽ có điện lưới để sử dụng những tiện nghi của đời sống giữa núi rừng vùng cao.
Chúng tôi có dịp về bản Xa Mang, xã Sơn Điện, huyện biên giới Quan Sơn, đây là bản nằm gần đường vành đai biên giới với nước bạn Lào với nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống. Bản hiện có 33 hộ/168 nhân khẩu đều thuộc diện hộ nghèo, thu nhập người dân dựa vào kinh tế rừng nên mỗi tháng chỉ được 1,5 triệu đồng/người. Để vào được trung tâm bản phải đi vòng qua nhiều quả núi, trời mưa sẽ rất khó đi lại, do đó việc cấp điện vào bản luôn gặp khó khăn.
Hiện người dân nơi đây phải thắp đèn dầu, đèn chạy bằng ắc quy để thắp sáng. Việc nấu cơm phải dùng củi lửa, công việc hàng ngày phải làm hết mọi việc khi ánh mặt trời tắt hẳn. Bên cạnh đó, do không có điện lưới quốc gia nên người nơi đây không được tiếp cận với thông tin đại chúng, những ứng dụng tiến bô mới vào sản xuất.
Anh Hà Văn Xuất, bản Xã Mang, xã Sơn Điện cho biết, do chưa có điện lưới nên đời sống bà con rất bất cập, kinh tế hiện phụ thuộc vào thu mua lâm sản phụ tại rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn, mỗi khi thu hoạch lúa anh Xuất phải dùng máy chạy dầu để sát gạo, mỗi lần sát gạo tốn 90.000 tiền dầu. Do đó, mỗi tháng chỉ thu nhập được 1,8 triệu/tháng nhưng không đều, tháng có tháng không.
Không chỉ người dân gặp khó khăn khi không có điện, đối với học sinh và giáo viên đang dạy và học tại các điểm trường nơi đây cũng luôn trong tình trạng thiếu thốn về thiết bị dạy học cũng như phương pháp học tập mới khi không có điện lưới. Cứ mỗi buổi học các giáo viên phải dạy học xong trước khi trời gần tối, việc soạn giáo án và đời sống hàng ngày của giáo viên cắm bản nơi đây cũng luôn dưới ánh đèn dầu mỗi khi trời tối.
Chị Hà Thị Xiêm, giáo viên Trường mầm non Sơn Điện cho hay: “Tôi vào dạy tại điểm trường bản Xa Mang từ 2007, tại đây sóng điện thoại và điện lưới quốc gia không có dù bây giờ đã là thời đại 4.0. Điều này gây khó khăn trong việc chuẩn bị giáo án, cũng như việc học tập của các em học sinh. Tôi muốn học sinh học trên màn hình tivi, máy tính và được học qua công nghệ thông tin nhưng bản này lại không có điện”.
Theo ông Lương Văn Chiên, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Điện, xã có 10 bản, nhưng duy nhất bản Xa Mang là chưa có điện lưới và sóng điện thoại nên việc tiếp cận dịch vụ văn hóa xã hội của người dân trong bản mang còn nhiều khó khăn. Thời gian tới, UBND xã Sơn Điện mong các cấp chính quyền, mạnh thường quân sớm đầu tư dự án cho bà con có điện sử dụng.
Hiện UBND huyện Quan Sơn còn 3 bản chưa có điện lưới quốc gia gồm: bản Xa Mang, xã Sơn Điện và bản Khà, bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy, đây đều là những bản đặc biệt khó khăn với nhiều người dân tộc Mông, Thái sinh sống.
Hiện tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp với các đơn vị liên quan để đầu tư các công trình điện tại 3 bản này với kinh phí hơn 20 tỷ đồng, trong đó có hạng mục như đường dây 35KV, trạm biến áp, cột bê tông, đường dây hạ áp… Dự kiến cuối tháng 12/2022 này sẽ hoàn thành để người dân được sử dụng điện lưới quốc gia.
Ông Trương Trọng Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho hay, đời sống người dân tại 3 bản này đang rất khó khăn do chưa có điện, UBND huyện Quan Sơn đề nghị tỉnh sớm triển khai, đưa công trình vào hoạt động. Bởi nếu người dân có điện sử dụng sẽ tạo thuận lợi cho việc đưa các nghị quyết của Đảng, nhà nước vào thực hiện sẽ dễ hơn, đời sống bà con được nâng cao hơn.
Theo Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, tỉnh hiện còn tại 34 bản thuộc các huyện miền núi gồm Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, Bá Thước, Như Thanh, Lang Chánh chưa có điện lưới quốc gia. Thực hiện dự án đầu tư cấp điện nông thôn, trong năm nay tỉnh Thanh Hóa sẽ đầu tư thêm các công trình điện tai 20 thôn bản, dự kiến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành nốt các công trình điện tại 14 thôn, bản còn lại để người dân sống có điện lưới quốc gia sử dụng.