Thay đổi hạ tầng lưới điện nông thôn

Sau gần 3 năm triển khai dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, hàng nghìn hộ dân tại các khu vực vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắk Nông đã được "xóa mù" điện quốc gia. Đây là điều kiện quan trọng để bà con phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được giải quyết.

Kỳ vọng lớn từ dự án cho vùng sâu

Theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg, ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020, Đắk Nông là 1 trong 48 tỉnh được tham gia chương trình.

Chú thích ảnh
Điện lực Đắk Nông nối điện cho từng hộ gia đình trong niềm hân hoan, vui mừng của các hộ dân. 

Trên cơ sở đó, ngày 31/10/2014, UBND tỉnh Đắk Nông đã có quyết định (số 1643/QĐ-UBND) phê duyệt dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2014 - 2020. 

Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án hơn 710 tỷ đồng. Dự kiến sẽ có 182 thôn, thuộc 56 xã của tỉnh Đắk Nông được cải tạo, mở rộng, xây dựng hệ thống cấp điện nông thôn.

Đây là chương trình được kỳ vọng sẽ thay đổi hạ tầng lưới điện nông thôn tỉnh Đắk Nông, nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng điện và thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương vùng sâu vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số phát triển. Mục tiêu lớn nhất là đảm bảo đến năm 2020, 100% số thôn, bon và hầu hết hộ dân nông thôn Đắk Nông được sử dụng điện lưới quốc gia.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Nông, đơn vị chủ đầu tư, dự án hiện được triển khai song song 2 hợp phần. Hợp phần thứ nhất là tiểu dự án sử dụng nguồn ngân sách trung ương với tổng mức đầu tư (đến giai đoạn này) là hơn 100 tỷ đồng.

Hợp phần thứ hai là tiểu dự án sử dụng nguồn vốn do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ với tổng kinh phí gần 35 tỷ đồng. Hai hợp phần đã và đang triển khai trên 37 thôn, buôn, bon với 8 gói thầu xây lắp. Tổng số hộ dân hưởng lợi từ các gói thầu khoảng 2.300 hộ dân.

Ông Nguyễn Thái Vượng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Nông khẳng định, đây là một nguồn lực cực kỳ quan trọng để mở rộng, cải tạo hệ thống lưới điện nông thôn tỉnh Đắk Nông. Việc phê duyệt dự án và ưu tiên triển khai các hợp phần đã giúp hàng nghìn hộ dân vùng sâu vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện Đắk G’Long, Tuy Đức, Đắk Mil, Krông Nô… được "xóa mù" điện lưới quốc gia sau gần 3 năm triển khai. 

Ông Tráng A Thính, thôn 5, xã Đắk R’Măng, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông cho biết, gia đình ông và hàng trăm hộ dân trong thôn đã được kéo điện về sử dụng từ tháng 7/2018. Nhờ có nguồn điện ổn định, bà con đã mua nhiều vật dụng, trang thiết bị để sử dụng cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày; đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, sơ chế, bảo quản nông sản. 

"Không còn cảnh ánh đèn tù mù do thiếu điện, tụi nhỏ thì thoải mái xem tivi mỗi tối, việc học hành của con cái cũng như mọi sinh hoạt của gia đình đều thuận tiện. Người già, người lớn, trẻ con gì cũng mừng. Cho gạo, cho tiền mình cũng không sướng bằng.", ông Tráng A Thính chia sẻ.

Sớm tháo gỡ vướng mắc

Bên cạnh các thuận lợi và hiệu quả đã đạt được, việc triển khai các dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Đắk Nông cũng phát sinh một số vấn đề khó khăn, vướng mắc cần sớm điều chỉnh, tháo gỡ.

Tháng 7/2020, sau gần 1 năm triển khai xây dựng, gói thầu thi công và lắp đặt thiết bị điện tại làng Dao, thôn Đức Bình, xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã cơ bản hoàn thành. Gói thầu có tổng mức đầu tư 4,3 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, sau gần 5 tháng, gần 100 hộ dân tại đây vẫn chưa được đấu nối, kéo điện về sử dụng. 

Theo ông Nguyễn Thái Vượng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Nông, ban đầu khi triển khai dự án, đơn vị chủ đầu tư đã phối hợp với ngành chức năng của huyện và chính quyền địa phương vận động, thỏa thuận sẽ kéo điện về làng Dao bằng đường dây trung thế của một doanh nghiệp khai thác đá xây dựng trên địa bàn xã Đức Mạnh. Đây là đường dây có chiều dài khoảng 3km và ban đầu chủ doanh nghiệp đã đồng ý. 

Chú thích ảnh
Hơn 300 hộ dân, chủ yếu là người Mông, tại thôn 11 & 12, xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông đã được "xóa mù” điện lưới quốc gia. 

Tuy nhiên, trong quá trình chủ đầu tư triển khai dự án thì doanh nghiệp khai thác đá bị ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đình chỉ, thu hồi giấy phép và chủ doanh nghiệp không đồng ý cho đấu nối như thỏa thuận trước đó.

Thiết kế ban đầu không đầu tư đường dây trung thế khoảng 3km vì như vậy sẽ lãng phí và chi phí đầu tư sẽ đội lên rất cao, không phù hợp với tiêu chí của dự án cấp điện nông thôn. Cơ quan chức năng đang vận động chủ doanh nghiệp và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. 

"Dự kiến, muộn nhất là tháng 1/2021 sẽ thỏa thuận xong và các hộ dân trong làng Dao sẽ được đấu nối, sử dụng điện lưới quốc gia.", ông Nguyễn Thái Vượng giải thích thêm.

Tương tự, tháng 8/2020, UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt tiểu dự án cấp điện nông thôn tại thôn 7, xã Kiến Thành, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng. Tháng 10/2020, đơn vị chủ đầu tư gửi thông báo về việc khởi công công trình tới UBND xã Kiến Thành. Tuy nhiên, thông báo này bị một số hộ dân tại xóm 2, thôn 7 phản đối. Nguyên do là 16 hộ dân tại xóm 2 ở "cửa ngõ" của dự án nhưng lại không được hưởng lợi từ dự án. 

Tháng 11/2020, Sở Công Thương Đắk Nông đã kiểm tra thực tế và đề nghị UBND xã Kiến Thành báo cáo, đề xuất đơn vị chủ đầu tư điều chỉnh dự án, đảm bảo 16 hộ dân được nằm trong hệ thống lưới điện chuẩn bị được đầu tư xây dựng.

Liên quan tới nội dung này, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Nông, đơn vị đang tiến hành các thủ tục để điều chỉnh cục bộ dự án. 

Nguyên do là trong quá trình khảo sát, đơn vị khảo sát ghi nhận các hộ dân đã sử dụng điện lưới quốc gia nên ưu tiên hệ thống trụ điện, đường dây cho khu vực khác. Nhưng trên thực tế hệ thống điện mà các hộ dân sử dụng là họ tự kéo và hiện đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Thái Vượng cho biết, bên cạnh các vướng mắc cụ thể tại 2 tiểu dự án nêu trên, việc triển khai dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Đắk Nông hiện vẫn còn một số khó khăn mà lớn nhất hiện nay là vốn đầu tư. Hiện ngành chức năng mới chỉ bố trí tổng 135/710 tỷ đồng, tức chỉ chiếm gần 20% tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Thêm nữa, giải phóng mặt bằng cũng gặp khó, bởi chỉ cần 1 - 2 hộ dân không đồng ý bàn giao mặt bằng hoặc cho kéo dây điện qua đất là toàn bộ dự án bị đình trệ, và hàng chục, hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng. Thêm nữa, người dân sinh sống phân tán và ngày càng mở rộng địa bàn cư trú tại khu vực vùng sâu vùng xa cũng khiến việc triển khai dự án khó đạt được hết các mục tiêu như kế hoạch đã đề ra.

Liên quan tới các nội dung này, cuối tháng 11 vừa qua, ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã ký công văn gửi đơn vị chủ đầu tư, các sở ngành liên quan và UBND các huyện liên quan tới dự án yêu cầu tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. 

Theo đó, UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các huyện, các đơn vị liên quan hỗ trợ chủ đầu tư trong giải phóng mặt bằng để triển khai dự án thuận lợi, đúng kế hoạch. Đồng thời, các đơn vị phối hợp để rà soát, đấu nối hệ thống điện, đảm bảo tiến độ, mục tiêu đề ra.

Tin, ảnh: Hưng Thịnh (TTXVN)
Vùng lõm cuối cùng của Phú Yên có điện lưới Quốc gia
Vùng lõm cuối cùng của Phú Yên có điện lưới Quốc gia

Ngày 15/12, Công ty Điện lực Phú Yên tổ chức khánh thành, nghiệm thu đóng điện công trình cấp điện làng Lạc Sanh, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hoà. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN