Thanh Hóa đẩy mạnh đầu tư và thu hút đầu tư

Những năm qua, mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn có nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Thanh Hóa vẫn nổi lên là một địa phương có nhiều chuyển biến tích cực trong việc thu hút đầu tư, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều chỉ số về huy động vốn đầu tư phát triển năm 2014 đã vượt kế hoạch và tăng cao so với cùng kỳ năm 2013, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế địa phương, mở ra cơ hội, lợi thế thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương năm 2015 và các năm tiếp theo.

Dòng chảy đầu tư đúng hướng

Phát huy những ưu đãi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi được thiên nhiên ban tặng, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng các doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng khắc phục khó khăn, tận dụng những thế mạnh của mình vươn lên khẳng định là điểm đến cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả khả quan về thu hút đầu tư. Ảnh: Duy Hưng



Nói đến lĩnh vực đầu tư, thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa không thể không nói đến Khu kinh tế Nghi Sơn, đây là khu kinh tế được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập năm 2006 với tổng diện tích 18.611 ha, nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, cách Thủ đô Hà Nội 200 km, được coi là cầu nối giữa Bắc Bộ với Trung và Nam Bộ. Việc hình thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm phát triển công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, gắn với việc khai thác có hiệu quả cảng biển nước sâu Nghi Sơn có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên tới 100.000 DWT là điểm sáng quan trọng đối với chiến lược đầu tư phát triển kinh tế lâu dài của tỉnh Thanh Hóa cũng như khu vực Bắc Trung Bộ.

Cùng với sự kiện khởi công Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, một dự án điểm quốc gia về dầu khí có tổng mức vốn đầu tư trên 9 tỷ USD, tổ chức vào tháng 10/2013 đã tạo được tiếng vang lớn trong giới đầu tư trong và ngoài nước, Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn và vùng phụ cận được tổ chức cùng thời điểm đó đã thu hút được đông đảo giới đầu tư trong và ngoài nước, ngay tại diễn đàn UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư, trao giấy chứng nhận đầu tư cho 20 dự án với tổng vốn đăng ký trên 4,7 tỷ USD, tạo được sức lan tỏa lớn trong hoạt động thu hút đầu tư.

Thực hiện chiến lược thu hút đầu tư và huy động vốn đầu tư trên địa bàn, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt chú trọng đến công tác vận động, xúc tiến đầu tư và hoạt động đối ngoại. UBND tỉnh Thanh Hóa tăng cường làm việc với các bộ, ngành Trung ương, các Đại sứ quán của các nước tại Việt Nam như: Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch... các tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại, tài chính trong và ngoài nước như KCCI, JETRO, WB, ADB, JICA và các tổ chức lớn khác để cung cấp thông tin về tiềm năng, cơ chế, chính sách, danh mục dự án ưu tiên đầu tư của tỉnh, qua đó đã thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm vào địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, Thanh Hóa đã chỉ đạo giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, giao đất, cho thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; rà soát, bổ sung và ban hành mới nhiều cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thu hút đầu tư. Đơn cử như việc khen thưởng "nóng" cho các tổ chức, cá nhân có công thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trong vùng; bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015 - 2020...

Cảng biển nước sâu Nghi Sơn là điểm sáng trong chiến lược đầu tư phát triển kinh tế lâu dài của Thanh Hóa.Ảnh: Duy Hưng


Trong tiến trình thực hiện kế hoạch dài hạn về thu hút đầu tư, bước đầu tỉnh Thanh Hóa đã thu được nhiều kết quả khả quan, chỉ tính riêng trong năm 2014, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 152 dự án, trong đó có 10 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 27.000 tỷ đồng cùng hơn 100 triệu USD, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ; điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 7 dự án FDI với tổng vốn đầu tư tăng thêm 107,6 triệu USD. Có thể kể đến các dự án quy mô lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong năm 2014 đang được dư luận trong và ngoài nước quan tâm như: Dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế tại Sầm Sơn, trang trại bò sữa Thanh Hóa 2, liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi lợn và chế biến nông sản... Trong năm 2014, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội tại Thanh Hóa ước đạt 85.530 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ, đạt 122% kế hoạch, trong đó đáng chú ý vốn đầu tư nước ngoài đạt 37.220 tỷ đồng, gấp 4,1 lần so với cùng kỳ, bằng 135% kế hoạch; vốn đầu tư của dân cư và các thành phần kinh tế khác đạt 27.840 tỷ đồng, đạt 116% kế hoạch. Năm 2014, Thanh Hóa còn thành lập mới 1.082 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 5.077 tỷ đồng.

Tạo đà để phát triển

Những nỗ lực không ngừng trong thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa đã mang lại hình ảnh đẹp trong con mắt những nhà đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh của địa bàn tỉnh được cải thiện đáng kể, được các tổ chức tài chính đánh giá cao, thể hiện qua chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương xếp thứ 6, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 8, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 9 của cả nước trong năm 2014. Điều này thêm phần khẳng định hiệu quả của các chủ trương và chỉ đạo điều hành của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Ngày 25/12/2014, tại thành phố Thanh Hóa sẽ diễn ra lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác truyền thông giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa và Thông tấn xã Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020. Đây được xem là hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phối hợp của hai bên trong việc cung cấp thông tin; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh toàn diện của tỉnh Thanh Hóa trên các loại hình thông tin đa dạng từ báo hình, báo giấy, báo điện tử và hệ thống thông tin nguồn của Thông tấn xã Việt Nam. Hai bên sẽ phối hợp đẩy mạnh thông tin hai chiều nhằm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về con người, vùng đất Thanh Hóa, những tiềm năng, lợi thế, các chủ trương, chính sách của tỉnh Thanh Hóa với bạn bè trong nước và quốc tế; định hướng thông tin, định hướng dư luận, hỗ trợ công tác quản lý, điều hành của tỉnh Thanh Hóa.

Trên đà thắng lợi trong việc đầu tư và thu hút đầu tư những năm qua, trong năm 2015 tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tập trung nhân lực, vật lực thực hiện chủ trương, chiến lược đầu tư và thu hút đầu tư trên địa bàn. Ông Nguyễn Đình Xứng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, dự kiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2015 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khoảng 108.000 tỷ đồng, tăng 26,3% so với ước thực hiện năm 2014, trong đó vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ 13.500 tỷ đồng, vốn đầu tư nước ngoài 54.200 tỷ đồng, vốn tín dụng đầu tư 10.150 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp nhà nước 1.250 tỷ đồng, vốn đầu tư của dân cư và các thành phần kinh tế khác 28.900 tỷ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đầu tư năm 2015, tạo đà cho đầu tư phát triển các năm tiếp theo, tỉnh Thanh Hóa tập trung vào các giải pháp đồng bộ như: Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sức hấp dẫn mới để xúc tiến đầu tư, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt là tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ - TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và Chương trình hành động cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đến năm 2015; xây dựng xúc tiến đầu tư năm 2015 với các chương trình xúc tiến quy mô lớn, chú trọng xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn, nhất là các dự án sau lọc hóa dầu, cảng biển, dịch vụ.

Tỉnh cũng sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2015 trước 31/10/2015; tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo chuyển biến thực sự rõ nét nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giải quyết dứt điểm các vấn đề còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch cho các dự án đúng tiến độ. Đặc biệt, Thanh Hóa tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm sớm đưa vào sử dụng một số dự án trọng điểm, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới như: Quốc lộ 217, Đại lội Nam sông Mã, đường từ ngã ba Voi đi Sầm Sơn, đường Hồi Xuân - Tén Tằn, hạ tầng cảng hàng không Thọ Xuân, đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, các cảng biển trong Khu kinh tế Nghi Sơn... Bên cạnh đó, tỉnh tập trung hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động đầu tư, phát huy vai trò giám sát cộng đồng, tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động đầu tư...

Đức Phương
Thanh Hóa: Xử phạt đoàn xe chở quặng quá tải trọng
Thanh Hóa: Xử phạt đoàn xe chở quặng quá tải trọng

Ngày 12/12, Đội cảnh sát giao thông số 3 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thanh Hóa) đã yêu cầu 5 lái xe ô tô chở quặng quá tải trọng từ 75 - 107% phải hạ tải. Các chủ phương tiện xe này phải nộp phạt hành chính từ 3-6 triệu đồng/xe vi phạm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN