Thanh Hóa: 11 con hổ nuôi sát khu dân cư

Từ năm 2006 đến nay, tại xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) tồn tại một trại nuôi nhốt hổ với 11 cá thể hổ của ông Nguyễn Mậu Chiến (hiện sinh sống tại Hà Nội). Mọi công việc tại trại nuôi hổ, ông Chiến giao lại cho người anh rể là ông Nguyễn Văn Tư chịu trách nhiệm coi giữ và chăm sóc. Sau gần chục năm, việc quản lý đàn hổ nuôi này đang lộ rõ nhiều điều bất cập.

Theo quan sát trên thực tế, khu nuôi hổ của gia đình ông Chiến nằm biệt lập với khu dân cư, 3 mặt tiếp giáp với cánh đồng, một mặt tiếp giáp với đường thôn. Khu trại nhốt rộng khoảng 4.000 m2, chuồng hổ được bao bọc bằng lớp lưới sắt B40, xung quanh có tường kiên cố cao khoảng 2,5 m, phía trên tường làm thêm hàng rào sắt cao 2,5 m. 

Tuy nhiên, khu trại nuôi nhốt vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người dân xung quanh như: tường bao được xây trên nền đồi đất, nếu xảy ra mưa lũ lớn hoặc vỡ đê có thể gây xói mòn, đổ vỡ tường rào, hổ có thể theo đó xổng ra ngoài.

Trận lũ lụt gây vỡ đê tại xã Quảng Phú - huyện Thọ Xuân hồi tháng 9/2012, tiếp giáp với xã Xuân Tín đã khiến nhiều người lo ngại, vì nếu con đê Cầu Chày (cách trang trại hổ khoảng 500m) mà vỡ thì không biết điều gì sẽ xảy ra. 

Ông Nguyễn Văn Tư - người đang chịu trách nhiệm coi giữ đàn hổ này cho biết: "Khi xảy ra sự cố vỡ đê Quảng Phú, gia đình chúng tôi đã chuẩn bị các bè luồng, bè chuối để hổ có thể sống sót nếu trường hợp trang trại bị nước lũ cô lập, chúng tôi cũng rất lo lắng vì nếu vỡ đê, nước tràn vào có thể gây chết đàn hổ nhưng rất may trường hợp xấu này đã không xảy ra".

Đàn hổ trưởng thành của gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến. Ảnh: nld.com.vn


Thiết nghĩ, nếu lũ vào, tường đổ, hổ trèo lên các bè mảng chuẩn bị sẵn và theo dòng nước trôi dạt vào khu dân cư, hệ lụy gì sẽ đến, khó ai lường được. Hệ thống tường rào hoặc các lớp rào sắt chia khu nuôi hổ thành các chuồng khác nhau bằng thép B40 cũng đã được xây dựng, lắp đặt cách đây gần 4 năm, theo thời gian rào chắn, khóa cửa đã có nhiều ổ bị hoen gỉ, không đảm bảo an toàn. Ngoài ra, hổ từ chỗ chỉ có trọng lượng bình quân từ 3 - 7 kg/con lúc mới được gia đình ông Chiến mua về đến nay có con đã nặng từ 2 - 2,5 tạ, con nhỏ nhất cũng gần 1 tạ, hung tợn đúng với bản năng của loài thú dữ...

Việc nuôi nhốt hổ không chỉ làm người dân lo lắng mà còn gây ô nhiễm môi trường ở khu vực này. Khi chúng tôi đến gần trang trại nuôi hổ và nhất là trực tiếp vào bên trong khu nuôi nhốt hổ, dù tiết trời đã chuyển sang giá lạnh nhưng một mùi hôi thối khó chịu vẫn bốc lên. Ông Nguyễn Văn Tư giải thích là do mấy hôm trời mưa gió, không kịp xử lý vệ sinh chuồng trại nên mới bốc mùi như vậy. Qua tìm hiểu, vào những ngày trở trời hoặc nắng gắt, mùi hôi bốc lên còn nồng nặc hơn gấp nhiều lần, khiến những người dân đi làm đồng khu vực gần trang trại chỉ mong nhanh chóng làm cho xong việc để rời xa khu nuôi nhốt này.

Ông Hà Duy Thủy, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân cho biết: "Nếu không có gì bất thường, mỗi tháng lực lượng kiểm lâm và các ngành liên quan kiểm tra định kỳ trang trại nuôi hổ 1 lần. Trại hổ nằm cách Hạt Kiểm lâm Thọ Xuân gần 20km nên việc quản lý biến động của đàn hổ trông chờ chủ yếu ở sự vào cuộc rốt ráo của chính quyền địa phương". Ông Thủy cũng cho biết thêm, dù các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp để quản lý đàn hổ tốt hơn, nhất là trong việc đánh dấu, nhận dạng cá thể, đảm bảo không có việc đánh tráo con vật như: gắn chíp điện tử theo dõi hoặc lấy mẫu ADN của đàn hổ nhưng đến thời điểm hiện tại vì nhiều lý do, những biện pháp này đều chưa thể thực hiện được. Vì vậy, nếu có xảy ra chuyện đánh tráo hổ thì cũng rất khó phát hiện và trên thực tế, lực lượng kiểm lâm Thanh Hóa dù cũng có nghi ngờ nhưng cũng chưa bắt được tận tay sự việc này.

Theo ông Nguyễn Văn Tư, cuối năm 2006, ông Chiến mua đàn hổ con do người dân bắt được từ Lào mang về, đưa về nhà nuôi nhốt tại xóm 27, xã Xuân Tín. Việc mua, nuôi nhốt số hổ nói trên không có bất cứ một loại thủ tục, giấy tờ nào của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Việc gia đình ông Chiến nuôi nhốt trái phép hổ trong khu dân cư đã gây bức xúc và lo lắng cho nhiều hộ dân sinh sống ở khu vực này. Sau gần 5 năm, đến tháng 3/2011, gia đình ông Chiến đã được huyện Thọ Xuân cho thuê 7,6 ha đất (thời hạn 50 năm) tại khu vực cồn Tàu Voi - xã Xuân Tín để xây dựng trại nuôi nhốt hổ, đàn hổ được ông Chiến di chuyển về đây và giao cho ông Nguyễn Văn Tư chăm sóc. Khi phát hiện đàn hổ nuôi nhốt trái phép này, năm 2007-2008, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký 2 quyết định số 1505/QĐ-UBND và quyết định số 2320/QĐ-UBND xử phạt vi phạm hành chính ông Nguyễn Văn Tư và ông Nguyễn Mậu Chiến vì nuôi nhốt hổ trái phép.

Các quyết định xử phạt cũng giao cho ông Nguyễn Mậu Chiến và ông Nguyễn Văn Tư tiếp tục nuôi nhốt đàn hổ và lập phương án nuôi nhốt trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trên nguyên tắc nuôi nhốt phải đảm bảo điều kiện an toàn cho người nuôi và nhân dân trong vùng, an toàn dịch bệnh đối với vật nuôi, kiến thức khoa học trong chăm sóc, nuôi sinh trưởng, sinh sản để bảo tồn loài động vật này, đưa vào hệ thống quản lý, theo dõi thường xuyên, chặt chẽ của các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nghiêm cấm giết mổ, mua bán, kinh doanh vì mục đích thương mại, không được tự ý di chuyển hoặc mua thêm hổ để nuôi. Nếu vi phạm các nội dung này hoặc làm thất thoát số hổ nói trên đều phải xử lý nghiêm theo pháp luật.

Tháng 5/2012, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã cấp giấy chứng nhận cho phép gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến được phép nuôi nhốt đàn hổ nói trên. Dư luận đặt câu hỏi, việc cấp giấy chứng nhận nói trên có đúng nguyên tắc hay không vì theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước Cites) mà Chính phủ Việt Nam đã ký thì "Hổ là loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được pháp luật Việt Nam quản lý, bảo vệ theo chế độ đặc biệt và thuộc Phụ lục I của Công ước Cites, nằm trong danh mục các loài loài cực kỳ nguy cấp (CR) thuộc Sách đỏ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên Thế giới (IUCN), việc mua bán, vận chuyển, săn bắn, nuôi nhốt, sử dụng hổ và các sản phẩm, dẫn xuất của chúng trái pháp luật đều bị nghiêm cấm".

Theo Công ước Cites, ông Chiến không được phép kinh doanh, buôn bán hổ. Nhưng nếu nuôi với mục đích làm du lịch thì cũng không phải vì lâu nay trang trại hổ này cũng không phục vụ cho việc du lịch, tham quan. Mỗi ngày khẩu phần ăn của 11 con hổ là 40 kg đầu gà, tính thành tiền vào khoảng 700.000-800.000đ/ngày, chưa kể tiền chuồng trại, tiền nhân công, chăm sóc, vệ sinh... Nếu không may hổ nuôi bị chết thì các cơ quan liên ngành sẽ lập biên bản và tiêu hủy (trên thực tế, các cơ quan chức năng đã tiêu hủy 4 con hổ chết ở trang trại này). Qua đó, có thể khẳng định nuôi hổ trong nhà không sinh lời nhưng không hiểu vì sao gần chục năm nay, gia đình ông Chiến vẫn duy trì nuôi nhốt đàn hổ.

Theo ông Hà Duy Thủy, để chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong quản lý, bảo vệ động vật rừng nói chung và loài hổ nói riêng, Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân - với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ tốt nhất các cá thể hổ trên địa bàn; thường xuyên tuyên truyền, vận động gắn với tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn chủ trại nuôi, cơ sở nuôi thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản động vật hoang dã. Trong các năm qua trên địa bàn không phát sinh vụ việc tương tự, tuy nhiên để công tác bảo tồn loài hổ bền vững không chỉ thực hiện bằng các chế tài quản lý mà rất cần sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí của nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước, sự chung tay giám sát của cả cộng đồng góp phần bảo vệ, gìn giữ loài động vật hoang dã quý hiếm đang trên đà bị tuyệt chủng này.


Hoa Mai
(TTXVN)
Mùa mưa, càng nhiều người bị rắn lục đuôi đỏ cắn
Mùa mưa, càng nhiều người bị rắn lục đuôi đỏ cắn

Số lượng bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập bệnh viện điều trị có sự gia tăng khá lớn ở thời điểm Nam Bộ đang ở mùa mưa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN