Với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”, Tháng hành động vì trẻ em năm 2015 sẽ được triển khai từ 1 - 30/6 trên toàn quốc. Hoạt động này được xem là chiến dịch truyền thông, vận động chính sách, vận động xã hội thường niên được tổ chức từ Trung ương đến cơ sở với mục đích tăng cường sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi thực hiện các quyền của trẻ em.
Đây là năm thứ 21 liên tiếp, Tháng hành động vì trẻ em được triển khai tại nước ta, tăng cường khẳng định sự quan tâm của tất cả các cấp, các ngành đối với sự phát triển toàn diện đối với thể hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Tăng cường chăm sóc, bảo vệ trẻ emÔng Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho biết: Trong Tháng hành động vì trẻ em, các địa phương tập trung tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi đảm bảo kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh. Các lớp học kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, các hoạt động phòng chống tai nạn thương tích, lớp dạy bơi phòng tránh đuối nước … sẽ được tăng cường triển khai trong tháng 6. Đặc biệt, diễn đàn trẻ em các cấp sẽ được tổ chức trong dịp này. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng tổ chức cuộc gặp mặt của Chủ tịch nước với đại diện trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.
Thiếu nhi Hà Nội biểu diễn văn nghệ tại lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em năm 2015 do UBND Thành phố tổ chức.Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN |
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam sẽ triển khai chương trình phẫu thuật nụ cười trẻ thơ cho 390 em, phẫu thuật ánh mắt trẻ thơ cho 260 em, khám sàng lọc cho trẻ em có các triệu chứng bệnh tim và hỗ trợ phẫu thuật cho trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, khám sàng lọc dị tật vận động cho 363 em và phẫu thuật cho 78 trẻ…
Tôn trọng “quyền tham gia” của trẻTheo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan, “Lắng nghe trẻ em nói” nhằm thực hiện Hiến pháp năm 2013; vận động cho việc xây dựng luật pháp, chính sách bảo đảm và thúc đẩy thực hiện quyền tham gia của trẻ em. Cụ thể là quy định chi tiết việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em giai đoạn 2015-2020 và phát động toàn xã hội tạo điều kiện cho trẻ em được nói lên tiếng nói của mình về các vấn đề có liên quan đến trẻ em...
Hiện nay, ở nước ta, có rất nhiều diễn đàn để trẻ em tham gia vào lĩnh vực truyền thông dành cho lứa tuổi mình. Các em đã tham dự một số diễn đàn quyền trẻ em các cấp, nhiều em còn đại diện cho thiếu nhi Việt Nam tham gia các diễn đàn quốc tế.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhận thức của người lớn chưa thay đổi nhiều về quyền tham gia của trẻ em. Người lớn trong cả gia đình và ngoài xã hội còn chưa tôn trọng tiếng nói của trẻ em, chưa tạo cơ hội cho trẻ em tham gia. Mức tham gia của trẻ em nông thôn và vùng sâu vùng xa, trẻ em dân tộc thiểu số có nhiều khác biệt. Trẻ em nông thôn, miền núi, đặc biệt các khu vực kém phát triển còn gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin liên quan đến bản thân. Chênh lệnh về mức sống của các hộ gia đình tại các vùng cũng là lý do khiến quyền tham gia của trẻ em không giống nhau.
Chính vì vậy, “Lắng nghe trẻ em nói”, không chỉ là việc chăm lo tới các quyền lợi nói chung của trẻ em, mà còn là tạo mọi điều kiện để trẻ em có quyền tham gia đóng góp vào các vấn đề liên quan tới mình như chính sách, luật… bằng việc thu thập ý kiến hoặc góp ý trực tiếp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chương trình giáo dục cần có những thay đổi tích cực nhằm giảm tải, tăng thời gian cho các em tham gia vào các hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.
Nhà nước cần quan tâm chăm sóc đặc biệt tới đối tượng trẻ em đặc biệt có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật, trẻ em ở khu vực miền núi… Những diễn đàn dành cho trẻ em cần diễn ra thường xuyên, rộng khắp hơn ở cấp địa phương, tạo cơ hội cho nhiều em tham gia, ý kiến các em sẽ được người lớn lắng nghe và phản hồi công khai. Thực hiện tốt quyền tham gia sẽ phát huy được năng khiếu, khả năng phát triển toàn diện của các em. Ngoài ra, định hướng này cũng tạo nên sự hiểu biết thân thiện giữa người lớn và trẻ em, góp phần hình thành một cộng đồng nhân văn và một xã hội dân chủ toàn diện.