Tháng 6 có 3 đợt nắng nóng gay gắt

Trao đổi với phóng viên Báo Tin tức, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TW, cho biết, trong tháng 6, các tỉnh miền Bắc chịu ảnh hưởng của khoảng 3 - 4 đợt mưa vừa, mưa to; đan xen với các đợt mưa này là 2 - 3 đợt nắng nóng, trong đó, các tỉnh miền Trung sẽ phải chịu cường độ nắng nóng gay gắt nhất trong khi lại rất ít mưa.

 

Trung bộ có mưa nhưng chưa hết khát


Tại các tỉnh Bắc Bộ, lượng mưa trong tháng này phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, với chuẩn sai lượng mưa tháng cao hơn từ 20 - 30% so với mọi năm. Nền nhiệt độ trung bình tháng phổ biến ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm, với chuẩn sai nhiệt độ trung bình tháng dao động trong khoảng từ -0,5 đến 0,5oC.


Người dân đổ xô ra bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) để tránh nóng trong đợt nắng nóng cuối tháng 5/2013.

Tại các tỉnh Trung Bộ, nền nhiệt độ phổ biến ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm, với chuẩn sai nhiệt độ trung bình tháng dao động trong khoảng từ -0,5 đến 0,5oC. Tuy nhiên, các đợt nắng nóng này không kéo dài và tập trung chủ yếu tại các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ.


Theo ông Tăng, trong khi khu vực Bắc Bộ liên tiếp đón nhận các trận mưa lớn thì Trung Bộ lại rất ít mưa. Lượng mưa ít ỏi trong tháng 6 chưa thể giúp khu vực này cải thiện được tình trạng thiếu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Theo đó, tình trạng hạn hán tại các tỉnh Trung Bộ, đặc biệt là Nam Trung Bộ vẫn còn tiếp diễn đến tận cuối tháng 7.


Thời kỳ này bước vào mùa mưa chính ở Bắc Bộ. Do vậy, người dân và các địa phương trong khu vực cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa lớn, dông mạnh có thể kèm theo mưa đá, tố, lốc; đặc biệt các tỉnh vùng núi phía bắc cần đề phòng các hiện tượng lũ quét và sạt lở đất do mưa lớn gây ra. (Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TW)

Từ tháng này, gió mùa Tây Nam bắt đầu ổn định và hoạt động ở mức độ trung bình đến mạnh trên khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ. Do vậy, lượng mưa tháng 6 ở khu vực này có khả năng ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm, với chuẩn sai lượng mưa tháng cao hơn từ 20 đến 50%. Theo ông Tăng, tình trạng thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt tại khu vực Tây Nguyên hiện không còn căng thẳng như các tháng trước.

 

Nhiều hồ thủy lợi, thủy điện thiếu nước


Tính đến đầu tháng 6, lượng dòng chảy trên phần lớn các sông chính ở Trung Bộ, Tây Nguyên thiếu hụt so với nhiều năm từ 6,5 - 66%. Hiện phần lớn các hồ chứa thủy lợi ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi đều đạt 65 - 88% dung tích thiết kế. Riêng một số hồ như Hội Sơn, Vạn Hội (Bình Định), Suối Trầu, Suối Hành (Khánh Hòa), Sông Trâu, Đu Đủ (Bình Thuận), Đắc Uy (Kon Tum) chỉ còn từ 0 - 21% dung tích thiết kế. Mực nước tại các hồ thủy điện lớn cũng thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1 - 17 m, riêng hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa) thấp hơn đến gần 29 m.


Trong tháng này, mực nước các sông ở Bắc Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 1 - 2 đợt lũ vừa và nhỏ. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên dần và đạt mức cao nhất vào nửa cuối tháng. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long dao động theo triều và có xu hướng lên dần. Nhờ vậy, xâm nhập mặn trên các sông ở Nam Bộ đã giảm so với tháng trước và độ mặn dao động từ 2 - 7‰.

 

Từ đầu năm tới nay, tại 29 tỉnh, thành trên cả nước đã xảy ra 80 đợt mưa đá, lốc xoáy, làm 7 người chết, 113 người bị thương, 44.000 ngôi nhà bị sập và tốc mái, trên 15.000 ha lúa và hoa màu bị tàn phá. Ước tính, tổng thiệt hại do mưa đá, lốc xoáy gây ra là 668 tỷ đồng. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TW (Bộ NN&PTNT) vừa có công văn đề nghị Chính phủ cấp cho các địa phương 80 tỷ đồng và 300 tấn gạo để hỗ trợ dân sinh và khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu. Cụ thể, Ban chỉ đạo đề nghị hỗ trợ Lào Cai 30 tỷ đồng và 300 tấn gạo, Cao Bằng 15 tỷ đồng, Hà Giang 10 tỷ đồng, Lai Châu 5 tỷ đồng, Phú Thọ 5 tỷ đồng, Nghệ An 5 tỷ đồng, Bình Định 5 tỷ đồng.



P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN