Tham khảo ý kiến về “cắt bỏ” kinh phí cho cây xanh

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc Hà Nội cắt bỏ đột ngột kinh phí dành cho cây xanh sẽ tác động không nhỏ đến xã hội, nhất là vấn đề việc làm cho người lao động, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, cũng như ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị của Thủ đô.

Từ 1/7/2016, Hà Nội yêu cầu dừng toàn bộ công tác cắt tỉa trong việc chăm sóc vườn hoa, thảm cỏ trên dải phân cách, chỉ thực hiện tại một số địa điểm để tạo điểm nhấn mà thành phố quy định.

Ngày 29/7, công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội đưa cành, lá cây vào xe cuốn, ép rác sao bão số 1. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN

Tiếp đó, từ 1/8, Hà Nội cũng dừng trồng hoa tại các vườn hoa, vòng xoay, điểm giao cắt, trừ các vị trí: trước cửa Trung tâm Hội nghị quốc gia, khu vực vực trước nhà ga T1, T2 sân bay Nội Bài, khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, chỉ tiến hành trồng hoa ở một số vị trí do thành phố chỉ định. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, quyết định này sẽ tiết kiệm cho Hà Nội khoảng 700 tỷ đồng mỗi năm. Xung quanh thông tin này, có nhiều ý kiến cho rằng, việc cắt bỏ đột ngột này cũng sẽ tác động không nhỏ đến xã hội, nhất là vấn đề an sinh việc làm, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn cũng như ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị của Thủ đô.


Cân nhắc bài toán an sinh


Theo con số thống kê chưa chính xác, sau khi thành phố Hà Nội cắt bỏ kinh phí duy tu, , cho công tác trên sẽ khiến khoảng 6 nghìn người lao động phổ thông mất việc làm, khéo theo đó, nhiều gia đình sẽ gặp khó khăn.


Giám đốc một doanh nghiệp làm công tác duy tu trên địa bàn thành phố Hà Nội chia sẻ, doanh nghiệp đã phải cắt giảm 300/400 lao động phổ thông sau khi có lệnh dừng của thành phố. Trước đây, những lao động phổ thông này, có việc làm và thu nhập ổn định từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng, tùy công việc khi tham gia duy tu, chỉnh trang, cắt cỏ bảo vệ cây xanh. Nhưng đáng nói hơn, những lao động của doanh nghiệp này phần lớn đều đã quá tuổi để tuyển vào các doanh nghiệp, công ty sản xuất dây chuyền. Thế nên, khi họ mất việc đồng nghĩa với gia đình họ mất đi một khoản thu nhập đáng kể để phục vụ cuộc sống.


Chưa hết, vị giám đốc doanh nghiệp còn cho biết, để trúng được gói thầu duy tu, chỉnh trang cây hoa, cây cảnh, cắt cỏ trên một tuyến đường, đơn vị cũng phải trải qua công tác đấu thầu công khai. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải chứng minh năng lực máy móc, phương tiện, con người được đào tạo cho cơ quan có thẩm quyền, mới được tiến hành thực hiện. "Mọi quy trình, đơn giá về việc duy tu, cắt tỉa, tưới nước, chăm sóc, chỉnh trang cũng đều phải tuân thủ các quy định của Bộ Xây dựng và được nhiều cơ quan của thành phố theo dõi, giám sát. Nay công việc mới chỉ triển khai được 10 tháng, trong khi hợp đồng là 45 tháng, khiến cho chúng tôi rất khó khăn, vì chưa đủ kinh phí trang trải nợ nần trong việc đầu tư trang thiết bị phục vụ việc duy tu", vị giám đốc doanh nghiệp duy tu bày tỏ tâm tư.


Theo ghi nhận tại hiện trường tại khu vực Đại lộ Thăng Long đoạn ngay cổng trung tâm hội nghị Quốc gia hiện nay công nhân của Công ty TNHH MTV Vườn Thú Hà Nội vẫn đang thực hiện công việc, chăm sóc thảm cỏ, cây hoa, cây cảnh tại đây. Tuy nhiên, khi trò chuyện với một số công nhân họ cảm thấy không vui trước thông tin thành phố dừng toàn bộ việc duy tu cây cảnh, cây hoa, thảm cỏ trên địa bàn thành phố, trừ một số khu vực trung tâm.


Chị Lưu Thị Hằng 40 tuổi, công tác tại Xí nghiệp duy trì cây xanh số 5 thuộc công ty TNHH MTV Vườn Thú Hà Nội cho biết, cũng đã nghe lãnh đạo công ty có nói đến cắt giảm công việc của một số bộ phận trong đơn vị, nhưng tôi vẫn thấy nó ở đâu đó xa xôi, chưa ảnh hưởng đến “miếng cơm manh áo” của gia đình mình. Nhưng mấy hôm nay, qua báo chí tôi thấy, mình có thể nằm trong diện bị cắt giảm quân số vì không thành phố không còn nhu cầu duy tu, chăm sóc cây hoa, thảm cỏ trên Đại lộ Thăng Long nữa. "Năm nay tôi đã hơn 40 rồi, tức là có gần 20 năm công tác, nay nghỉ thì chưa biết làm công việc gì, trong khi gia đình có tới 4 miệng ăn, trông chờ vào thu nhập của tôi là chính", chị Hằng tỏ rõ vẻ ngậm ngùi chia sẻ.


Được biết, để nhằm đảm bảo đời sống cho người công nhân, Công ty TNHH MTV Vườn thù Hà Nội đang bố trí công việc theo hướng nghỉ luân phiên, đảm bảo mỗi công nhân làm 14 công/ tháng, thay vì khoảng 26 công như trước đây.


Không thể thiếu việc duy trì thảm cỏ, vườn hoa


Bên cạnh tác động mạnh đến công tác an sinh xã hội, thì chủ trương cắt bỏ kinh phí duy tu, chỉnh trang trang thảm cỏ, vườn hoa của thành phố cũng làm nhiều nhà chuyên môn băn khoăn.


Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, tiết kiệm chi phí trong việc cắt tỉa thảm cỏ, cây xanh là rất cần thiết, nhưng không nên vì kinh phí mà để cỏ mọc buông tuồng, không được cắt tỉa. Có thể đơn giá, chi phí cho cắt tỉa, chăm sóc... sẽ phải được thành phố tính toán lại theo hướng khoa học hơn, đưa nhiều máy móc vào thay con người, giúp giảm giá thành. Nhưng phải duy trì cắt tỉa thảm cỏ thường xuyên, bởi lẽ các tuyến đường như bộ mặt đô thị. Nếu không cắt tỉa, không có người duy trì, bảo vệ thảm cỏ sẽ dẫn đến tình trạng bị xâm hại, làm xấu đi cảnh quan chung. Với khác nước ngoài, đôi khi chỉ cần từ sân bay về trung tâm thành phố, họ được đi dọc tuyến đường có hàng cây xanh thẳng hàng, thảm cỏ cắt tỉa gọn gàng sẽ để lại ấn tượng mạnh hơn so với những “mỹ từ” khi nói về Thủ đô, Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh.


Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng nhìn nhận, đại lộ thường có giải phân cách giữa rất lớn, tạo một quỹ đất trống rộng, do vậy việc duy trì thảm cỏ là rất hợp lý, tạo không gian kiến trúc thoáng tầm nhìn. Những thảm cỏ, cây xanh ở giải phân cách ngoài tác dụng về môi trường, còn là quỹ đất trống để bổ sung các hạ tầng kỹ thuật khác khi cần thiết. Tuy nhiên dù trồng cây gì, cũng cần phải chăm sóc để phù hợp với cảnh quan kiến trúc tổng thể của một khu vực.


Đại diện Hiệp hội môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam cho biết, sinh ra vườn hoa, thảm cỏ là phục vụ người dân, làm đẹp cảnh quan Thủ đô. Cho nên, việc chăm lo vườn hoa, cây xanh là cho mọi người, cho mọi thế hệ. Không phải thấy tốn là không làm, một đô thị phát triển không thể để như thế được. Nếu tốn kém thì phải rà soát lại quy trình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thật chi tiết để tránh lãng phí. Một tuyến đường mà cỏ mọc lên như rừng, nó không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn thể hiện văn hóa nữa.


Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, chủ trương của thành phố là xây dựng đề án tổng thể về quản lý hệ thống công viên, cây xanh thảm cỏ trên địa bàn; đồng thời rà soát, cân đối bố trí ngân sách cho việc trồng, chăm sóc, duy tu, duy trì cây xanh, thảm cỏ đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí, thực hiện đúng các quy định của nhà nước. Thành phố sẽ tổ chức đấu thầu trồng, chăm sóc, duy tu, duy trì công viên, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ; nhà thầu phải tự thiết kế cảnh quan, xây dựng quy trình trồng, chăm sóc, chỉ tiến hành bàn giao cho thành phố khi cây đã sống. Theo đó, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh là đơn vị chủ lực trong việc cắt tỉa, trồng cây bóng mát và quản lý toàn bộ cây xanh trên địa bàn thành phố.


Tuy nhiên, để chủ trương của thành phố được triển khai thực hiện hiệu quả và trước mắt, đối với quyết định dừng toàn bộ công tác cắt tỉa trong việc chăm sóc vườn hoa, thảm cỏ trên dải phân cách, đồng thời dừng trồng hoa tại các vườn hoa, vòng xoay, điểm giao cắt, chỉ thực hiện tại một số địa điểm để tạo điểm nhấn, dư luận cho rằng, Hà Nội cần tham khảo ý kiến rộng rãi của các chuyên gia để có những giải pháp và phương án tốt nhất, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng xanh – sạch – đẹp, văn minh, văn hiến và hiện đại.

Mạnh Khánh (TTXVN)
Mưa bão gây ngập, đổ cây trên các phố Hà Nội
Mưa bão gây ngập, đổ cây trên các phố Hà Nội

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 khoảng 18 giờ 30 tại địa bàn Hà Nội đã xuất hiện mưa lớn, kèm theo gió giật, khiến một số tuyến phố ngập, cây đổ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN