Lợi ích của BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện
Theo thống kê của BHXH Việt Nam: Tính đến tháng 9/2019, toàn quốc có 15.200.000 người tham gia BHXH; trong đó có hơn 14.700.000 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng hơn 2,2% so với 2018; hơn 463.000 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng mạnh so với 2018 (tăng 6.7%).
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ: Theo Luật BHXH năm 2014, “BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc qua đời, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH”. Như vậy, chính sách BHXH được thực hiện trên cơ sở huy động sự đóng góp, tích lũy của người lao động khi còn trẻ, còn khỏe mạnh để bảo đảm ổn định thu nhập khi gặp phải các rủi ro.
Chính sách BHXH hiện đang được thực hiện với hai loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Theo đó, BHXH bắt buộc được áp dụng đối với người lao động có quan hệ lao động (làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên); về cơ bản được thực hiện với 5 chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất; trách nhiệm đóng góp được quy định thuộc về cả người lao động và người sử dụng lao động.
Ngoài các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp mang tính chia sẻ giữa người khỏe mạnh với người bị ốm đau, tai nạn rủi ro; chế độ hưu trí trong chính sách BHXH đang được thiết kế rất có lợi cho người lao động với mức hưởng đang cao hơn nhiều so với mức đóng góp.
Ông Nam cũng cho biết, BHXH tự nguyện được áp dụng đối với những người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; hiện đang được thực hiện với hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Do không có quan hệ lao động theo hợp đồng nên trách nhiệm đóng góp thuộc về người lao động.
Chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện đã đem lại lợi ích rất rõ, đó là cơ hội cho tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được chính sách hưu trí - lương hưu khi về già. Đối với những người tham gia BHXH bắt buộc, khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng góp thì thay vì chỉ được hưởng BHXH một lần như trước đây, có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện và lựa chọn phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu để được hưởng ngay lương hưu.
Người tham gia BHXH tự nguyện có thể lựa chọn mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH phù hợp với điều kiện tài chính của mình. Hiện mức thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn (700.000 đồng/tháng, khi đó mức đóng chỉ là 154 nghìn đồng/người/tháng) và mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (với mức lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng, mức đóng là 6,556 triệu đồng/người/tháng). Người tham gia cũng có thể lựa chọn phương thức đóng rất linh hoạt: đóng hằng tháng, hằng quý, sáu tháng, hằng năm hoặc đóng một lần cho nhiều năm.
Ngoài các quyền lợi về lương hưu hằng tháng được xác định dựa trên mức đóng và thời gian tham gia của người lao động, mức lương hưu tiếp tục được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt, tăng trưởng kinh tế và khả năng cân đối của quỹ BHXH từng thời kỳ.
Từ ngày 1/1/2018, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, với ba mức hỗ trợ 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với hộ cận nghèo; và 10% đối với các đối tượng còn lại. Và căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện cho phù hợp.
Nhà nước bảo hộ quỹ BHXH và thực hiện các biện pháp để bảo toàn và tăng trưởng quỹ; bảo đảm mọi người tham gia đều được thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định của pháp luật.
Hiểu đúng về “BHXH toàn dân”
Về khái niệm “BHXH toàn dân”, trước hết cần được hiểu không phải là toàn dân tham gia BHXH, mà “BHXH toàn dân” là mọi người dân đều có quyền và cơ hội được tiếp cận chính sách BHXH khi bước vào độ tuổi lao động; đều được hưởng chính sách về hưu trí khi tuổi già.
Để thực hiện mục tiêu trên, Trung ương cũng đã đề ra quan điểm chỉ đạo đó là “Phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng… hướng tới bao phủ toàn dân” và được cụ thể hóa tại nội dung cải cách chính sách. Theo đó, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng với việc phát triển và hoàn thiện hệ thống chính sách BHXH cơ bản dựa trên đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động.
Tiếp đó thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội thông qua việc thực hiện chính sách trợ cấp cho người cao tuổi từ nguồn ngân sách nhà nước (đối với những người không có lương hưu hoặc BHXH hằng tháng).
Tầng trên cùng là thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Như vậy, để hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, thời gian tới, chính sách BHXH sẽ dần được thay đổi, hoàn thiện để mở rộng diện bao phủ BHXH cơ bản; linh hoạt thời gian tham gia; thực hiện lộ trình điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội để mở rộng đối tượng được thụ hưởng từ chính sách này.