Tại Nghị quyết số 28/NQ-TW, Trung ương đã đặt ra mục tiêu “từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân". Để đạt mục tiêu này, theo ông, Bộ luật Lao động sửa đổi lần này cần tập trung vào những nội dung gì?
Đối với Luật BHXH, việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này có vai trò đặc biệt quan trọng, tác động đến việc mở rộng vững chắc diện bao phủ về BHXH, hướng tới thực hiện BHXH toàn dân theo Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH.
Theo tôi, Bộ luật Lao động sửa đổi lần này hướng tới 3 nội dung chính sau: Trước tiên, để mở rộng vững chắc diện bao phủ vể BHXH, đặc biệt là BHXH bắt buộc thì ngay trong Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi lần này cần tạo bước đột phá trong nhận thức về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đó là mở rộng đến toàn bộ người có quan hệ lao động (có thuê mướn, sử dụng và trả lương), thay vì chỉ quy định áp dụng đối với người lao động có hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ đủ 1 tháng trở lên như trong Luật BHXH hiện hành. Bởi vì, thực tế hiện nay, quan hệ lao động có thể được thông qua HĐLĐ, hoặc có thể thoả thuận bằng văn bản, hoặc không bằng văn bản. Nếu quy định phải có HĐLĐ mới thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHXH thì vừa không phát triển BHXH hết được số lao động, lại vừa tạo “lỗ hổng” để người lao động và chủ sử dụng lao động dừng ký HĐLĐ để chuyển sang thoả thuận bằng hình thức khác để ngừng đóng BHXH. Khi đó, mục tiêu mở rộng vững chắc diện bao phủ về BHXH sẽ rất khó đạt được.
Theo tính toán, nếu bổ sung quy định bắt buộc tham gia BHXH đối với toàn bộ người có quan hệ lao động thì dự kiến sẽ có khoảng 10 triệu người tham gia BHXH trong diện này, nâng tổng số lên 25 triệu người của cả nước tham gia BHXH bắt buộc.
Đối với khu vực không có quan hệ lao động (lao động tự sản xuất, kinh doanh không thuê mướn lao động và cũng không làm thuê cho chủ sử dụng lao động khác), đây là khu vực có số lao động tương đối lớn. Việc chuyển đổi lao động giữa khu vực này với khu vực có quan hệ lao động diễn ra liên tục, vì vậy cần có quy định để đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho mọi người lao động. Cụ thể, người lao động trong khu vực không có quan hệ lao động mà có việc làm và thu nhập ổn định, đang chấp hành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định thì cần được bổ sung vào diện tham gia BHXH bắt buộc. Khi đó, theo tính toán, số lao động này sẽ làm gia tăng diện bao phủ BHXH thêm hàng triệu người.
Nội dung thứ hai là vấn đề tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tôi cho rằng, cần quy định thống nhất về mức đóng thấp nhất, mức đóng cao nhất đối với BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đồng thời, quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thấp nhất phải bằng 70% thu nhập thực tế của nguời lao động nhận được từ người sử dụng lao động và cao nhất không quá 20 lần mức lương tối thiểu vùng.
Nội dung thứ ba là tuổi nghỉ hưu. Đây là quy định về “độ tuổi hưởng lương hưu” không phải “tuổi nghỉ hưu” để phân biệt với tuổi nghề và không đồng nhất tuổi nghề với tuổi hưởng lương hưu. Điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.
BHXH Việt Nam thống nhất phương án tăng độ tuổi hưởng lương hưu đã nêu trong dự án. Ngoài quy định độ tuổi hưởng lương hưu, Dự án cũng cần bổ sung quy định độ tuổi hưởng lương hưu xã hội cho phù hợp tương đồng (hiện nay đang quy định là 80 tuổi). Tuy nhiên, việc tăng độ tuổi hưởng lương hưu cơ bản, quy định độ tuổi hưởng lương hưu xã hội sẽ kéo theo phải sửa hàng loạt các quy định trong Luật BHXH như: Quy định giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu (hiện nay đang quy định từ đủ 20 năm); cách tính tỷ lệ hưởng, tính mức lương hưu theo nguyên tắc đóng, hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ, bền vững; điều chỉnh lương hưu; quy định hạn chế hưởng BHXH một lần; hạn chế nghỉ hưu trước tuổi …
Hiện nay, nhiều quy định trong chính sách BH thất nghiệp đã không còn phù hợp với thực tiễn cần phải được sửa đổi, bổ sung. Dưới góc độ là người làm công tác tổ chức thực hiện chính sách, ông có kiến nghị, đề xuất gì để Luật Việc làm sửa đổi khắc phục được những bất cập trên?
Tôi cho rằng, Luật Việc làm cần quy định chặt chẽ hơn điều kiện hưởng BH thất nghiệp, công tác hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề, chuyển đổi nghề, duy trì việc làm cho người lao động khi hết tuổi nghề mà chưa đến tuổi hưởng lương hưu.
Ngoài ra, cần bổ sung quy định: Người lao động có thời gian đóng BHXH và BH thất nghiệp từ đủ 20 năm trở lên mà chưa hưởng BHXH, BH thất nghiệp bị thất nghiệp (từ 50 tuổi đối với nữ, 55 tuổi đối với nam trở lên) nhưng chưa đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định của Luật BHXH thì được quỹ BH thất nghiệp chi trả cho đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành phải bám sát tinh thần NQ28-NQ/TW và Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) lần này với nhiều nội dung mới và rất phức tạp nên cần phải chủ động xây dựng kế hoạch khẩn trương triển khai thực hiện.
Xin cảm ơn ông!