Đến năm 2020, ngành nghề điều dưỡng, hộ lý Nhật Bản cần 400.000 lao động

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), Nhật Bản đang có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn điều dưỡng, hộ lý làm việc tại các bệnh viện, cơ sở dưỡng lão; do tốc độ già hóa dân số nhanh chóng và sự thiếu hụt nhân sự trong ngành nghề này. Dự báo đến năm 2020, nhu cầu tuyển nhân lực cho ngành nghề này là gần 400.000 vị trí.

Chú thích ảnh
Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước và Cơ sở đào tạo tiếng Nhật thông tin về chương trình tuyển chọn điều dưỡng, hộ lý Việt Nam.

Ngày 25/9, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã thông tin tuyển ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang học và làm việc tại Nhật Bản. Đây là năm thứ 8 Cục Quản lý lao động ngoài nước triển khai chương trình theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA).

Cục đã phối hợp với phía Nhật Bản tuyển chọn và đưa vào đào tạo tiếng Nhật Bản cho 7 khóa ứng viên điều dưỡng, hộ lý, với tổng số 1.440 người. Đến nay, có 892 điều dưỡng, hộ lý đã được sang làm việc tại các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản.

Khóa 8 đang được Cục tuyển sinh và đào tạo ngoại ngữ tiếng Nhật trong thời gian 12 tháng và thi đạt được trình độ tiếng Nhật N3 trở lên; ứng viên đã có bằng tiếng Nhật trình độ N2 trở lên được miễn tham gia khóa đào tạo 12 tháng tại Việt Nam.

Với vị trí ứng viên điều dưỡng, sẽ tạm trú ở Nhật Bản 3 năm (mỗi năm gia hạn một lần) và thực hiện công việc hỗ trợ điều dưỡng tại bệnh viện, nhằm đạt được chứng chỉ điều dưỡng viên để có thể làm việc lâu dài tại Nhật Bản.

Đối với ứng viên hộ lý, sẽ tạm trú ở Nhật Bản 4 năm (mỗi năm gia hạn một lần) và tham gia cung cấp dịch vụ hộ lý tại cơ sở chăm sóc sức khoẻ nhằm đạt được chứng chỉ hộ lý để có thể làm việc lâu dài tại nước này.

Những người được lựa chọn sẽ được sang Nhật Bản vừa học vừa làm với thời gian tối đa 3 năm đối với ứng viên điều dưỡng, tối đa 4 năm đối với ứng viên hộ lý. Trong thời gian này, các ứng viên được phép dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý.

Trong đó, ứng viên điều dưỡng được dự thi mỗi năm một lần, hộ lý được dự thi một lần vào năm thứ 4. Nếu đỗ, các ứng viên sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn tại nước này.

Mức lương của ứng viên điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản sẽ theo quy định của pháp luật Nhật Bản, thông thường của ứng viên điều dưỡng là từ 130.000 - 140.000 Yên/tháng (hơn 27 triệu đồng – 30 triệu đồng), hộ lý từ 140.000 - 150.000 Yên/tháng (khoảng 30 triệu đồng – 32 triệu đồng). Ngoài mức lương trên, các ứng viên sẽ được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc.

“Sau khi thi đạt chứng chỉ quốc gia Nhật Bản, mức lương có thể lên đến 240.000 Yên/tháng (hơn 51 triệu đồng/tháng. Đến thời điểm này, tỷ lệ ứng viên điều dưỡng thi đỗ chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản đạt 70% và hộ lý đạt tỷ lệ 93%. Nhu cầu tiếp nhận lao động lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản rất lớn và lao động Việt Nam cũng được thị trường Nhật đánh giá cao”, bà Trần Thị Vân Hà, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết.

 

XC/Báo Tin tức
Đề xuất nâng mức trợ cấp xã hội lên 500.000 đồng/người/tháng từ năm 2025
Đề xuất nâng mức trợ cấp xã hội lên 500.000 đồng/người/tháng từ năm 2025

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ nghị định mới theo hướng nâng mức trợ cấp hằng tháng lên 360.000 đồng vào 1/1/2021 và lên 500.000 đồng từ ngày 1/1/2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN