Thái Bình: Đối thoại với doanh nghiệp vận tải về việc dừng hoạt động xe khách nội tỉnh

Ngày 20/7, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình đã đối thoại với đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ phương tiện vận tải hành khách nội tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi đối thoại với đại diện các các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ phương tiện vận tải hành khách nội tỉnh.

Tại buổi đối thoại, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ phương tiện vận tải hành khách nội tỉnh đều đồng ý với chủ trương của UBND tỉnh Thái Bình về việc chuyển đổi vận tải từ xe khách sang xe buýt; đồng thời, đề nghị được kéo dài thêm thời gian vận tải nội tỉnh bằng xe khách; được hỗ trợ chuyển đổi từ xe khách sang xe buýt để tiếp tục được vận tải hành khách nội tỉnh...

Ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã lắng nghe và trả lời các kiến nghị, đề xuất của đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ phương tiện vận tải nội tỉnh.

Ông Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Việc Thái Bình quyết định chuyển vận tải hành khách nội tỉnh từ xe khách sang xe buýt là đúng, trúng với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước theo quy định hiện hành và phù hợp với tình hình hiện tại cũng như xu hướng phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Thái Bình tiếp thu ý kiến của Hiệp hội doanh nghiệp, sớm rà soát, đề xuất, bổ sung quy hoạch tuyến xe buýt nội tỉnh để phủ kín các vùng, miền của tỉnh, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ phương tiện vận tải hành khách nội tỉnh đối thoại với UBND tỉnh Thái Bình.

Sở GTVT Thái Bình khẩn trương tham mưu UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ mời thầu việc cung cấp dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt từ các vùng, miền trong tỉnh về thành phố để tổ chức đấu thầu công khai; trong đó sẽ ưu tiên chủ phương tiện, doanh nghiệp đang khai thác trên các tuyến nội tỉnh hiện nay khi phải chuyển sang vận tải bằng xe buýt.

Ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, UBND tỉnh đồng ý kéo dài việc khai thác vận tải, vận chuyển hành khách bằng xe khách nội tỉnh đến ngày 20/10/2017. Đồng thời, cho kéo dài thêm ba tháng tiếp theo để các đơn vị trúng thầu nâng cấp phương tiện, đảm bảo yêu cầu phục vụ của xe buýt, đáp ứng nhu cầu hành khách.

Ngay sau kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên, hầu hết đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ phương tiện vận tải nội tỉnh đều đồng ý với các giải pháp Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu.


Từ năm 2014, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ xe taxi và các tuyến vận tải khách bằng xe buýt đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Theo quy hoạch, các tuyến xe buýt sẽ phủ kín các huyện, thành phố.

Thực hiện theo lộ trình, Sở GTVT Thái Bình đã nhiều lần thông báo dừng hoạt động của các tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh.

Tuy nhiên, sau "lệnh" dừng hoạt động các tuyến vận tải khách nội tỉnh trên địa bàn từ ngày 24/6/2017, một số chủ phương tiện tiếp tục hoạt động, không tuân thủ việc dừng xe kiểm tra của lực lượng chức năng; đồng thời tổ chức các xe thành đoàn, treo băng rôn diễu hành trên những tuyến phố, tập trung đông người tại trụ sở Sở GTVT tỉnh Thái Bình. Những việc làm này là vi phạm pháp luật.

Tin, ảnh: Nguyễn Công Hải (TTXVN)
Hàng trăm doanh nghiệp vận tải 'nháo nhào' vì... thông báo mới
Hàng trăm doanh nghiệp vận tải 'nháo nhào' vì... thông báo mới

Trước việc Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) vừa có văn bản số 2916/C67-P9 ngày 31/5/2017 về việc xử lý vi phạm hành chính đối với phương tiện thế chấp trong ngân hàng, khẳng định việc xử phạt phương tiện tham gia giao thông mà không mang đăng ký gốc là đúng quy định, hàng trăm doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng đang "nháo nhào" liên hệ với ngân hàng nơi thế chấp tài sản để làm việc về nội dung trên và ngược lại. Hệ thống chi nhánh các ngân hàng trên địa bàn hiện đang bế tắc, chưa có hướng giải quyết cho vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN