Thái Bình: Đề cao tính chủ động, tự nguyện phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 23/11, UBND tỉnh Thái Bình đã họp trực tiếp triển khai một số nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi tại điểm tiêm trường THPT Lê Quý Đôn, thành phố Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh, đề cao tính chủ động, tự nguyện của người dân trong việc tầm soát xác định nguy cơ, tự giác xét nghiệm SARS-CoV-2. Các doanh nghiệp chủ động tầm soát, xét nghiệm cho công nhân. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức cũng chủ động xét nghiệm cho cán bộ, công nhân viên.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, đầy đủ Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 4800 của Bộ Y tế về thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát dịch COVID-19 trong tình hình mới và các chỉ đạo của tỉnh tại Công điện số 10, đặc biệt gần đây nhất là công văn số 5096 của UBND tỉnh về thống nhất thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19... Đồng thời, các cấp, ngành tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý các đối tượng nguy cơ, nguy cơ cao; thường xuyên đánh giá, giám sát những khu vực trọng điểm, phát hiện, ngăn chặn kịp thời xử lý nếu có F0. Khi có tình huống phát hiện F0, phải bình tĩnh, chủ động, linh hoạt để xử lý, tránh mất bình tĩnh, lúng túng; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để xử lý khi có tình huống dịch. Các cấp, ngành, địa phương chủ động đảm bảo hoạt động trở lại một số loại hình kinh doanh, dịch vụ để sản xuất được thông suốt...

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhận định, từ ngày 10/11 đến nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiều biệp pháp đồng bộ, kịp thời. Đến nay, cơ bản các ổ dịch trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã được kiểm soát. Tuy nhiên, qua đó cho thấy việc quản lý di biến động dân cư trên địa bàn chưa chặt chẽ, công tác tuyên truyền còn chưa thống nhất, việc đáp ứng của các địa phương và doanh nghiệp còn lúng túng, việc triển khai quản lý các trường hợp F1, F2 còn chưa sát hướng dẫn của tỉnh...

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình Phạm Quang Hòa cho biết, từ ngày 10/11 đến nay, tỉnh ghi nhận 896 ca mắc mới, trong đó 824 ca liên quan đến các ổ dịch trong cộng đồng. Huyện Vũ Thư ghi nhận nhiều nhất với 517 ca tại 28/30 xã, thị trấn, trong đó 46 ca ghi nhận trong ngày đầu tiên phát hiện ổ dịch, còn lại là các ca mắc trong khu vực cách ly y tế. Đối với ổ dịch xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư), trong 5 ngày gần đây ghi nhận 25 ca mắc mới...

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho rằng, đến nay các ổ dịch ở huyện Vũ Thư và thành phố Thái Bình cơ bản đã khống chế, nhưng lẻ tẻ ghi nhận ở cộng đồng một số ca bệnh có nguồn phơi liên quan và chưa cắt đứt hoàn toàn F1 chyển thành F0 ở tất cả các điểm kiểm soát. Ổ dịch tại xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương cơ bản đã kiểm soát được các đối tượng nguy cơ nhưng chưa thể triệt để vì số lượng học sinh ở nhiều xã, thị trấn trong huyện, quá trình di chuyển, sinh hoạt có nhiều tiếp xúc với môi trường xã hội. Ổ dịch tại Công ty Trung Bảo (xã Đông Động, huyện Đông Hưng), hiện đã quản lý và xác định phân loại các trường hợp tiếp xúc gần liên quan... 

Hiện, tỉnh Thái Bình có 7 đơn vị y tế có đủ các điều kiện để triển khai xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp Realtime PCR, với công suất có thể đạt trên 1.900 mẫu đơn/ngày. Trong đó, có 3 đơn vị đã được Bộ Y tế thẩm định và cấp phép đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định. Tỉnh Thái Bình đang theo dõi y tế 3.308 trường hợp F1; 6.177 trường hợp F2. 

Đối với công tác tiêm chủng, đến ngày 22/11, Thái Bình đã thực hiện được 1.395.761 mũi tiêm, trong đó 1.361.103 mũi tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên; 34.659 mũi tiêm cho đối tượng 12-17 tuổi. Trên 1 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, chiếm 78,61%; gần 340.000 người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi, đạt 26,08%...

Sơn Hải (TTXVN)
Chế độ phụ cấp chống dịch cao nhất là 450.000 đồng/người/ngày
Chế độ phụ cấp chống dịch cao nhất là 450.000 đồng/người/ngày

Theo Quyết định 145/QĐ-CP ngày 19/11/2021 của Chính phủ, chế độ tối đa với người tham gia phòng chống dịch tại các đơn vị, địa phương có thể lên mức 450.000 đồng/người/ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN