Thạc sỹ, tiến sỹ chưa có môi trường làm việc phù hợp

Nhiều tiến sĩ cho biết họ đều mong muốn trở về Việt Nam làm việc để được gần gũi gia đình và xây dựng đất nước. Nhưng môi trường làm việc ở khu vực nhà nước khiến họ không phát huy được năng lực và buộc phải bỏ ra khu vực ngoài làm việc.

 

TS P.M.H, ĐH Bách khoa Hà Nội: Lương thấp, môi trường làm việc chưa tốt


Quyết định về Việt Nam làm việc của tôi được nhiều bạn bè xem là “táo bạo”. Nhiều người cho rằng sau khi làm tiến sĩ xong hãy ở lại nước ngoài làm việc, đến khi tích lũy kinh nghiệm, cũng như tài chính thì hãy trở về. Nhưng với mong muốn được cống hiến cho trường đại học nơi tôi đã từng học, nên tôi quyết định trở về nước. Thú thực, sau một thời gian, tôi thấy rằng môi trường đại học của nước nhà vẫn nặng nề việc giảng dạy, mà chưa chú trọng nghiên cứu khoa học. Nhất là với những ngành kỹ thuật càng cần có nghiên cứu để phục vụ các mục đích phát triển khác nhau. Điều này đi ngược lại với môi trường giảng dạy ở nước ngoài. Vì vậy, những kiến thức mà chúng tôi có được sẽ không thể phát huy hết. Thời lượng giảng dạy quá nhiều, trong khi thời gian nghiên cứu chỉ chiếm một phần. Bên cạnh đó chưa nói đến một mức lương khá thấp. Một số bạn bè từng cảnh báo với tôi rằng: Giảng viên đại học chỉ như “thợ dạy” và điều này đã đúng.

 

Nhiều giảng viên có bằng Tiến sĩ đều mong muốn một môi trường nghiên cứu tốt ở bậc đại học.Ảnh: H.C


Tôi cho rằng, chất xám của tiến sĩ ngành kỹ thuật thực sự được phát huy khi họ được hoạt động trong môi trường nghiên cứu khoa học. Đó là những kiến thức tốt để truyền thụ cho sinh viên. Cần tạo điều kiện cho các giảng viên tham gia các hội thảo khoa học quốc tế. Làm nghiên cứu cũng chính là tăng thêm thu nhập để bảo đảm cuộc sống của họ. Đây mới là mô hình mà các trường đại học trong nước nên thực hiện sớm, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

TS N.V, ĐH Kiến trúc Hà Nội: Điều kiện làm việc còn thiếu


Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ tại Bỉ theo chương trình học bổng Đề án 322, tôi trở về nước theo như quy định. Tôi được về khoa giảng dạy đúng chuyên ngành đã học. Do trước đó đã từng là giảng viên của trường và khi trở về vẫn ở vị trí đó, nên tôi không gặp khó khăn gì. Chỉ có điều ai cũng nhận ra đó là sự khác biệt về điều kiện làm việc, giảng dạy. Nếu ở Bỉ, tôi chỉ chuyên tâm làm nghiên cứu, thì về nước tôi sẽ làm nhiều việc hơn, vừa làm tốt công tác giảng dạy, tôi vừa tham gia các dự án. Đây được xem là điều kiện để bảo đảm cuộc sống hiện tại. Về môi trường làm việc thì cũng có những khác biệt nhất định. Cụ thể, ở nước ngoài có hệ thống cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm đầy đủ phục vụ nghiên cứu, còn ở trong nước không có. Tất nhiên cũng phải chấp nhận thôi vì trong điều kiện làm việc nào thì phải thích nghi với điều kiện ấy.

 

TS N.H, chuyên viên một ngân hàng quốc tế tại Việt Nam: Sáng tạo không được khuyến khích


Những người từng đi du học không muốn quay về hoặc không muốn làm việc ở khu vực nhà nước, do môi trường làm việc không khuyến khích ý tưởng sáng tạo. Nhiều ý kiến chúng tôi đưa ra được đánh giá là không thực tế với môi trường làm việc tại Việt Nam và không được coi trọng. Tôi đã từng lâm vào hoàn cảnh này. Khi tôi có ý tưởng cải tiến về tài chính ngân hàng lập tức bị phản bác rằng kế hoạch này là “không tưởng”. Sau đó ý kiến này đã bị rơi vào quên lãng. Sau hơn 1 năm làm việc, tôi nhận thấy mình bị “cô độc”. Vì vậy tôi đã viết đơn xin nghỉ việc.


Tiếp đó, tôi đã gửi đơn vào một ngân hàng quốc tế tại Việt Nam. Ngay trong phiên phỏng vấn, tôi đã trình bày ý tưởng từng bị xem là “không tưởng” và thật mừng là được hoan nghênh. Tôi đã được tuyển dụng ngay sau đó. Và đến nay, ý tưởng này đã trở thành hiện thực trong cơ quan mới, mang lại nguồn thu không nhỏ. Đây thực sự là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu và phát huy những gì đã được học tập từ nước ngoài. Đến nay tôi vẫn thấy quyết định ra ngoài làm việc là đúng đắn, bởi ở đó ý tưởng của tôi được trọng dụng và phát huy.


LV (thực hiện)

Nhật hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Nhật hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Chương trình “Học bổng Phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản”(JDS), niên khóa 2015-2016 đã chính thức khởi động, với đối tượng hướng đến là cán bộ, viên chức Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN