Quân dân Sóc Trăng vui đón Tết. Trong ảnh: Đại tá Nguyễn Quốc Cường, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Sóc Trăng trao quà Tết cho các hộ gia đình chính sách và hộ nghèo trên địa bàn xã An Thạnh 3 và xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung hôm 14/2. |
Quân với dân như “cá với nước”, điều này càng được thể hiện hơn khi mỗi độ Tết đến, Xuân về, Tết quân - dân lại được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sóc Trăng cùng lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh phối hợp tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa thắt chặt thêm tình đoàn kết trong dịp Tết.
Theo Đại tá Trần Văn Lâu, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sóc Trăng: Đây là mô hình dân vận mang tính tổng hợp với nhiều nội dung, hình thức phong phú, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo điều kiện giúp đỡ các gia đình chính sách và nhân dân đón Tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi. Đặc biệt, trong những dịp này, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chú trọng huy động lực lượng xây dựng các công trình giao thông nông thôn phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần cùng chính quyền và nhân dân hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới; sửa chữa, trang trí nhà ở cho người nghèo, gia đình có con em là cán bộ, chiến sĩ...
Năm nay, Tết quân - dân ở Sóc Trăng được tổ chức tại 2 xã là Ba Trinh (huyện Kế Sách) và Trường Khánh (huyện Long Phú) đã đem lại niềm vui rất lớn, một không khí ấm cúng, vui tươi cho người dân nơi xưa từng là những căn cứ kháng chiến, có truyền thống cách mạng.
Bà Trần Thị Thâu (65 tuổi), ngụ ấp 5, xã Ba Trinh, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, vui vẻ: "Năm nào đến Tết nguyên đán, ở xã tôi, ai cũng gói bánh tét. Nhà gói ít thì trên chục đòn, nhà nào nhiều cũng vài chục đòn. Năm nay, bánh tét gói ăn chắc ngọt dữ". Bà cười giòn khi cùng gói bánh tại Hội thi bánh tét trong Tết quân - dân tổ chức tại xã Ba Trinh. Bà Thâu cho biết, tất cả nguyên liệu để gói bánh đều là "cây nhà lá vườn" đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, không phải lo thực phẩm bẩn. "Hồi đó (thời chiến tranh), đâu phải đi mua gì, đều của nhà tự làm, tự trồng, tự nuôi hết. Mỗi lần Tết đến, gói cả mấy chục đòn . Một số cho con cái ăn, rồi để dành cho bộ đội mình nữa. Mà giấu đâu dám treo, sợ bị địch phát hiện nhà ít người sao gói nhiều vậy", bà Thâu nhớ lại.
Bộ đội về ăn Tết với bà con, các bà, các mẹ như được sống lại một thời ký ức mà trong đó có cả đau thương, mất mát và trên hết là nghĩa tình quân dân sâu đậm không bao giờ quên. Về đây, mỗi cán bộ, chiến sĩ được hiểu thêm về truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của biết bao thế hệ đi trước, để thấy mình cần phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa. Như lời ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Trưởng ban Chỉ đạo Tết quân – dân Sóc Trăng năm 2018, bày tỏ: Trong chiến tranh, xã Ba Trinh là vùng căn cứ kháng chiến, một trong những cái nôi của phong trào cách mạng địa phương. Người dân xã Ba Trinh luôn tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Thiều Văn Chỏi. Tình dân, nghĩa Đảng luôn gắn bó với nhau, giúp cho xã Ba Trinh trở thành một trong những lá cờ đầu trong các phong trào đấu tranh cách mạng, gìn giữ từng tất đất quê hương.
Không khí những ngày cuối năm ở xã Ba Trinh và xã Trường Khánh thật đúng là "vui như Tết". Bởi lẽ, vùng quê yên ả này lâu lắm rồi có dịp được tụ hội đông vui như thế. Lực lượng bộ đội, công an, biên phòng, dân quân và đoàn viên, thanh niên, đại diện các ban, ngành, đoàn thể các xã, thị trấn về đây cùng chung tay với bà con thu hoạch lúa, hoa màu; sửa sang lại nhà cửa, đường sá và gia cố lại những cây cầu xuống cấp, làm hàng rào cho nhà dân...
Bà Huỳnh Ngọc Lệ, ở ấp 7, xã Ba Trinh vui mừng cho biết: "Hiện tại nhà tôi chỉ còn người già và trẻ em, thanh niên đều đi làm xa nên một số việc nặng không thể gánh vác. Tôi dự định làm hàng rào trước nhà theo sự vận động của địa phương đã lâu nhưng không có người làm, may nhờ mấy chú bộ đội đến giúp, làm nhanh và rất đẹp".
Ông Lê Văn Liêm, Bí thư Chi bộ ấp 7 mấy hôm nay cùng bộ đội, dân quân, đoàn viên của ấp sửa lại con đường dài hơn 3km nói vui: "Vậy là Tết này, mấy đứa nhỏ về quê ăn Tết đi đứng thoải mái rồi. Làm đường đông vui như vậy thấy khoẻ re, làm tới đâu láng tới đó, xe máy chạy ngon lành. Mấy cây cầu hư, sụp mố cầu đi lại khó khăn, nay bộ đội về làm lại đã “ngon lành” rồi, đi không sợ té sông nữa"…
Đánh giá hoạt động Tết quân - dân ở 2 địa phương trong những ngày cận Tết vừa qua, Thượng tá Huỳnh Văn Giang, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sóc Trăng cho biết: Ban Chỉ đạo Tết quân – dân ở xã Ba Trinh, các lực lượng phối hợp đã vận động xây dựng được 17 căn nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà đồng đội, nhà tình thương; xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn ở 6 ấp với chiều dài trên 3km. Song song đó, chính quyền địa phương tổ chức đoàn đến thăm hỏi, tặng gần 600 phần quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách và hộ nghèo; tặng 25 chiếc xe đạp, 25 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học; tổ chức khám và cấp thuốc miễn phí cho 300 lượt dân nghèo... Tổng kinh phí hoạt động trong dịp Tết quân - dân lần này trên 6 tỉ đồng.
Còn Tết quân – dân tại xã Trường Khánh, lực lượng vũ trang đã phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân phát quang 32 km đường giao thông nông thôn, lót 1000m lộ đal, đắp 2 nền nhà và sửa 2 căn nhà, đắp 4 móng cầu, làm 8 cổng rào. Ban Chỉ đạo đã tổ chức thăm hỏi và tặng 795 phần quà cho Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo và chùa Phổ Giác và chùa Săng Ke. Khám bệnh cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho 327 lượt người. Tổ chức hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn và biểu diễn tuyên truyền những ca khúc cách mạng phục vụ nhân dân. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo còn trao nhà cho gia đình chính sách, tặng 75 chiếc xe đạp, 145 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó hiếu học và các phần quà cho hộ nghèo, với tổng số tiền chi cho các hoạt động gần 11 tỉ đồng.
Được tổ chức liên tục từ năm 2015 đến nay, với mục tiêu góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, Tết quân – dân ở Sóc Trăng đã và đang trở thành nét đẹp truyền thống của lực lượng vũ trang, một mô hình dân vận tổng hợp, góp phần rất lớn giáo dục ý nghĩa truyền thống, tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa quân với dân như “cá với nước”.