Khi nơi ở bị xuống cấp nghiêm trọng thì việc di dời để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân là điều cấp thiết. Tuy nhiên những ngày qua, 153 hộ dân với 419 nhân khẩu hiện đang cư trú tại hai khu nhà 5 tầng thuộc tổ 39 và tổ 40, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình lâm vào cảnh “đi cũng dở, ở chẳng xong”. Trước mắt họ là cảnh khu nhà cũ nát và phải khẩn cấp di chuyển, về lâu dài vẫn chưa có một tương lai nào cho họ… Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Nhà ở xuống cấp nghiêm trọng Hai nhà 5 tầng khu tập thể Phúc Khánh, thuộc tổ 39 và tổ 40, phường Quang Trung nằm ở ngay cửa ngõ đi vào trung tâm thành phố Thái Bình, là nơi sinh sống của 153 hộ dân với 419 nhân khẩu (trong đó 1 nhà 5 tầng có 91 hộ, 239 nhân khẩu và 1 nhà 5 tầng có 62 hộ, 180 nhân khẩu). Công trình này được xây dựng từ những năm 1976 - 1977, hiện nay do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường và công trình đô thị Thái Bình quản lý sử dụng.
Sau hơn 30 năm đi vào sử dụng, khu tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng. Lớp vôi vữa bong tróc hàng mảng, trơ lớp gạch cũ, cầu thang nứt và han gỉ, hệ thống thoát nước, đường điện hư hỏng, người dân thường sống chung với cảnh vôi vữa rơi vào người, nước từ tầng trên rò rỉ xuống tầng dưới. Trong 10 năm trở lại đây, khu tập thể được liệt vào một trong 5 khu chung cư “hễ bão là chạy” của thành phố Thái Bình.
Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm định chất lượng của công trình. Theo báo cáo số 82 ngày 6/9/2013 về thực trạng chất lượng hai khu nhà tập thể của Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình, hai khu nhà này có kết cấu tường chịu lực, sàn mái gác panel, móng xây gạch đặt trực tiếp trên nền thiên nhiên, trong quá trình sử dụng không được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ thường xuyên.
Công trình không thuộc loại xây dựng kiên cố, đến nay đã hết niên hạn sử dụng và xuống cấp nghiêm trọng ở mức độ C. Cụ thể, nhiều cấu kiện của hai khu nhà tập thể đã hư hỏng và chủ yếu ở các không gian sử dụng chung như hành lang, cầu thang hoặc các kết cấu chịu lực chính như panel, gạch xây tường, cột hiên. Qua kiểm định cũng cho thấy, nguy hiểm đang rình rập đối với người dân nơi đây khi nhiều điểm hàm lượng cốt thép cột của công trình đã bị tiêu giảm khoảng 30%, có những vị trí không thể sửa chữa cải tạo được, có thể sập đổ bất cứ lúc nào.
Với mức độ nguy hiểm của công trình, đe dọa trực tiếp đến người dân, ngày 28/10/2013 UBND tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định 2336 ngừng sử dụng khu tập thể này để thực hiện phá dỡ công trình và giao trách nhiệm cho UBND Thành phố Thái Bình tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ gia đình sống trong hai khu tập thể trên và di dời họ ra khỏi công trình.
Theo đó, mức bồi thường, hỗ trợ di dời 153 hộ dân đang sống tại đây là hỗ trợ di chuyển chỗ ở 5 triệu đồng/hộ, hỗ trợ thuê nhà mức 700 nghìn đồng/hộ/tháng trong thời gian 6 tháng. Ngoài ra, các hộ dân được hưởng hỗ trợ khác về thuê nhà trong trường hợp dự án chậm bố trí tái định cư mức 700 nghìn đồng/hộ/tháng trong vòng 18 tháng. Như vậy, tổng số tiền mỗi hộ nhận được là 21,8 triệu đồng để di chuyển chỗ ở và thuê nhà trong thời gian 2 năm.
Sau 2 năm, người dân sẽ ở đâu? Ông Bùi Ngọc Khuyến (67 tuổi, tổ 39) cho biết, người dân hoàn toàn nhất trí, ủng hộ về chủ trương của cấp trên là tháo dỡ nhà và di chuyển dân để bảo đảm an toàn. Sống trong khu nhà không biết sập lúc nào chính bản thân chúng tôi cũng lo cho tính mạng bản thân và gia đình mình nhưng tâm lý người dân nói chung lo ngại sau hai năm nữa liệu chúng tôi sẽ về đâu, có nơi ở mới hay vẫn tiếp tục tự túc thuê nhà?
Chính từ những khúc mắc này, sau hơn 20 ngày từ khi nhận quyết định của UBND tỉnh Thái Bình ngừng sử dụng công trình, 153 hộ dân tại đây vẫn chưa di dời. Ông Phạm Văn Tư, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Thái Bình cho biết đến nay, vẫn chưa có hộ dân nào đến nhận tiền hỗ trợ.