Rà soát lại quy hoạch và xây dựng chung cư

Theo Luật Thủ đô có hiệu lực từ 1/7/2013, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển nhà ở, kể cả nhà cao tầng nhưng chủ yếu ở khu vực ngoại thành.


Hạn chế xây chung cư ở nội đô


Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, hiện nay, diện tích nhà ở Hà Nội bình quân đạt 17 m2/người, trong đó nội thành đạt 21 m2/người và ngoại thành là 15m2/người. Mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội đạt 25 - 30 m2/người. Vì vậy, việc tiếp tục phát triển nhà ở, trong đó xây dựng các chung cư cao tầng là yêu cầu cấp thiết.


 

Chung cư cao tầng vẫn mọc lên trong khi hạ tầng nội đô Hà Nội đã quá tải.

 

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, do quỹ đất hạn hẹp nên việc xây nhà cao tầng là giải pháp cần thiết. Nhưng việc phê duyệt các dự án chung cư cao tầng cần phải theo quy hoạch và Luật Thủ đô để tránh dẫn đến nhiều hệ lụy về giao thông, đô thị.


Thực tế, để hạn chế áp lực hạ tầng đô thị tại khu vực nội đô, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính vào tháng 11/2009, Chính phủ đã yêu cầu Hà Nội dừng xây dựng mới chung cư trong khu vực nội đô và chỉ chấp nhận cho triển khai tiếp những dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng. Theo quy định trên, khu vực nội đô Hà Nội có khoảng 260 công trình cao từ 9 tầng trở lên bao gồm cả công trình hỗn hợp và nhà ở cao tầng phải dừng lại. Mặc dù vậy, số lượng các dự án vẫn được triển khai tiếp cũng rất lớn, do đã hoàn tất thủ tục. Đối với các dự án chung cư tiếp tục được triển khai này, theo ông Đào Ngọc Nghiêm, trách nhiệm của Hà Nội là phải rà soát lại rất kĩ các chung cư này để tìm đến một sự bố trí thích hợp để tránh gây áp lực lên hạ tầng đô thị.


Theo Luật Thủ đô có hiệu lực từ 1/7/2013, TP Hà Nội cũng đã khẳng định chủ trương sẽ chỉ cho xây dựng các khu chung cư mới tại khu vực ngoại thành.


Xét đến hạ tầng và vai trò cộng đồng


“Hệ lụy của quá trình bê tông hóa rất rõ. Sau các trận mưa lớn, Hà Nội lại chìm trong biển nước do nước không có chỗ thoát, một trong những nguyên nhân cũng là do việc phát triển của các chung cư”, ông Phạm Sỹ Liêm nói. Nếu không có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng thì chuyện các khu chung cư mới thiếu chỗ đỗ xe, phải đỗ tràn ra lòng lề đường sẽ còn diễn biến phức tạp.


Để hạn chế việc các chung cư mới gây khó cho hệ thống hạ tầng kĩ thuật cũ, Nhà nước đã có nhiều quy định để ràng buộc về điều kiện kĩ thuật của các công trình xây dựng mới. Ví dụ, trước đây, cứ 2 - 4 hộ chung cư thì phải có chỗ đỗ ô tô, thì nay Bộ Xây dựng quy định mỗi hộ (dù nhà ở xã hội) phải có 20 m2 để xe ở bên trong công trình và 5 m2 để xe ở bên ngoài.


Các chuyên gia cũng cho rằng, đối với những dự án xây dựng chung cư mới, việc tham vấn ý kiến cộng đồng là rất cần thiết. Vai trò của cộng đồng đối với khu vực xây dựng mới đã được Luật Thủ đô đặt ra, tuy nhiên chưa được cụ thể hóa trách nhiệm và quyền hạn. Trong thực tế, khu vực phía sau bến xe Kim Mã đã từng có dự án xây công trình dân cư cao tầng. Tuy nhiên, dân cư khu vực đó phản đối nên nó đã bị dừng lại.


“Công tác lập và phê duyệt quy hoạch cần có sự tham gia đóng góp của cộng đồng, đặc biệt là các cấp quản lý cơ sở. Chính những đơn vị này sẽ quản lý và vận hành những sản phẩm của quy hoạch đó. Sự tham gia đóng góp ý kiến và đề đạt những phương án của các cán bộ địa phương là tiền đề cho công tác quản lý sau đầu tư”, ThS Nguyễn Huy Hoàng, Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội chia sẻ.


Mặt khác, vai trò của chính quyền trong việc giám sát và thực hiện quy hoạch cũng cần được nâng cao. “Năm 1998 khi làm quy hoạch Hà Nội, lúc đó nội đô có 96 vạn dân, chúng tôi đề nghị giảm xuống 80 vạn. Nhưng vì không quản lý được, cùng với sự bùng nổ của các công trình cao tầng trong nội đô nên năm 2009, con số này đã nâng lên 1,2 triệu dân. Bây giờ phải di dời về chỗ ở cho 40 vạn dân là rất khó khăn”, ông Nghiêm nói.


Trong sự khủng hoảng của thị trường bất động sản thời gian qua, trong khi các dự án ở xa trung tâm phải giảm giá để thu hút khách hàng thì các dự án nội đô vẫn không lo bị mất giá. Tuy nhiên, các dự án chung cư nội đô lại gây nên những áp lực cho hệ thống hạ tầng vốn đã rất quá tải của thành phố. Bởi vậy, cần có sự hài hòa giữa lợi ích của chủ đầu tư, quyền của người mua nhà và những lợi ích chung của xã hội.


Hoàng Dương

Rà soát lại quy hoạch và xây dựng chung cư
Rà soát lại quy hoạch và xây dựng chung cư

Theo Luật Thủ đô có hiệu lực từ 1/7/2013, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển nhà ở, kể cả nhà cao tầng nhưng chủ yếu ở khu vực ngoại thành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN