Tạo sinh kế cho người cao tuổi
Một trong những chính sách hàng đầu, xuyên suốt trong những năm qua đối với người cao tuổi là bảo đảm thu nhập và cuộc sống cho họ. Có thể thấy, phần lớn người cao tuổi ở Việt Nam không có nguồn thu nhập ổn định và sống phụ thuộc vào con cháu, nên chính sách trợ cấp hằng tháng và bảo trợ xã hội hướng đến một số đối tượng người cao tuổi với một tỷ lệ bao phủ lớn là rất quan trọng. Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp lên 810 nghìn đồng/tháng đối với người trên 80 tuổi không có người chăm sóc đã thể hiện tính nhân văn cao, đồng thời giúp người cao tuổi ổn định cuộc sống.
Đặc biệt, những năm gần đây, việc phát huy sinh kế và khởi nghiệp cho người cao tuổi, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số và tác động của đại dịch COVID -19 hiện nay được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi. Tạo việc làm cho người cao tuổi cũng là tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của đất nước. Theo thống kê, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, lực lượng lao động cao tuổi đã và đang tiếp tục tham gia các hoạt động kinh tế, mang lại những đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước.
Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 1/3 số người cao tuổi tham gia vào thị trường lao động, trong đó có gần 400.000 người cao tuổi làm kinh tế giỏi. Ngoài hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với người cao tuổi ở nông thôn, nhiều người cao tuổi ở khu vực thành thị tiếp tục làm việc trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, khoa học và công nghệ. Dự báo trong 10 năm nữa, người cao tuổi ở nước ta sẽ chiếm 17% dân số, đến năm 2038 là 20% và đến năm 2050 tỷ lệ này là 25%. Số liệu này cho thấy, việc tạo sinh kế cho người cao tuổi đang là một vấn đề rất cần được quan tâm.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam Nguyễn Hải Hữu cho biết: Không phải tất cả người cao tuổi đều cần chính sách hỗ trợ về sinh kế, nhất là những người làm chủ doanh nghiệp, có nguồn thu nhập cao, ổn định. Nhưng đối với nhóm người cao tuổi còn khả năng tham gia hoạt động kinh tế, cần có thu nhập để bảo đảm cuộc sống và thực hiện quyền sống độc lập, thì việc hỗ trợ sinh kế lại rất quan trọng. Vì vậy, chính sách hỗ trợ sinh kế là tiền đề quan trọng giúp người cao tuổi tự bảo đảm thu nhập, giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của con cháu.
Nhằm giúp người cao tuổi tìm được việc làm có thu nhập ổn định cuộc sống, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, hội người cao tuổi, đoàn thể liên quan và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật Người cao tuổi; tham mưu cho Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam theo quy chế làm việc tổ chức phối hợp liên ngành giải quyết những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách; đồng thời đưa ra phương án, chương trình cung cấp thông tin về thị trường lao động, tổ chức các sàn giao dịch việc làm với những công việc phù hợp với người cao tuổi.
Đảm bảo môi trường làm việc thuận lợi và bình đẳng cho người cao tuổi
Chủ tịch Hội Người cao tuổi Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, với vị thế và đóng góp của mình cho gia đình và xã hội, người cao tuổi luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Sự quan tâm đó thể hiện qua định hướng chiến lược của Đảng qua các thời kì, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của các cấp, các ngành, các địa phương…Với nền tảng chính sách, pháp luật của Việt Nam và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, gia đình, xã hội, đời sống người cao tuổi đã tốt lên rất nhiều cả về vật chất lẫn tinh thần.
Tuy nhiên, theo bà Chuyền, để chủ động thích ứng với tình hình già hóa dân số tới đây, cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về già hóa dân số của nước ta, nêu rõ những vấn đề đặt ra khi chúng ta bước vào giai đoạn dân số già như nguồn lực dành cho thực hiện chính sách an sinh xã hội, nguồn nhân lực cho nền kinh tế… Từ đó, nâng cao trách nhiệm của xã hội, của mỗi tổ chức, cá nhân và các cơ quan hoạch định chính sách.
Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi, vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 2156/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030. Chương trình nhằm tăng cường sức khỏe về thể chất và tinh thần, phòng, chống ngược đãi người cao tuổi; nâng cao chất lượng mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, khám, chữa bệnh và quản lý các bệnh mãn tính cho người cao tuổi; xây dựng môi trường thuận lợi để người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi, giải trí...
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022-2025, có 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; ít nhất 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% người cao tuổi khi ốm đau, dịch bệnh được khám, chữa bệnh và được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng.
Hàng năm, ít nhất 80% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức khác nhau; 70% người cao tuổi khuyết tật được sàng lọc, phát hiện các dạng khuyết tật và được can thiệp, phục hồi chức năng; 10.000 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có người phụng dưỡng được chăm sóc, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và cơ sở trợ giúp xã hội...
Một trong những giải pháp quan trọng của Chương trình hành động trong thời gian tới là trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, nhà ở cho người cao tuổi, đồng thời hoàn thiện hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá; cơ sở dữ liệu về người cao tuổi.
Về hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, thời gian tới, nhà nước sẽ triển khai kịp thời chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe định kỳ, lập sổ quản lý theo dõi sức khỏe người cao tuổi ở y tế tuyến xã, ưu tiên nhóm người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên và từng bước mở rộng đến nhóm từ 65 tuổi trở lên; thực hiện khám, chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi không có điều kiện đến cơ sở khám, chữa bệnh.
Đồng thời, hỗ trợ thí điểm mô hình chăm sóc dài hạn đối với người cao tuổi; mô hình nhà xã hội an toàn cộng đồng cho người cao tuổi độc thân, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa; thực hiện thí điểm ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần đối với khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn…
Theo Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Hòa Bình, việc giải quyết việc làm cho người cao tuổi sau khi nghỉ hưu là vấn đề cần đặt ra. Trong thời gian tới, các chính sách của nhà nước cũng cần tính đến vấn đề “khởi nghiệp” cho người lao động là người cao tuổi. Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, Nhà nước cần có chính sách sử dụng lao động là người cao tuổi thế nào cho phù hợp với sức khỏe, kinh nghiệm của họ; bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các Trung tâm giới thiệu việc làm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp là phải giới thiệu, đào tạo lại nghề cho người cao tuổi…
Nhiều ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, Nhà nước cần đảm bảo môi trường làm việc thuận lợi và bình đẳng cho người cao tuổi; nhất là tạo thuận lợi cho người cao tuổi tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ kinh doanh. Đặc biệt, chú trọng phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe, để người cao tuổi có thể tiếp tục lao động, đảm bảo sinh kế và nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình…