Tạo cơ sở duy trì sức mạnh dân tộc

Trong nhiều thập kỷ qua, toàn Đảng, toàn dân ta đã dành cho thương binh, gia đình liệt sỹ sự chăm sóc về vật chất, tinh thần với lòng biết ơn sâu sắc và trách nhiệm cao cả. 

Những việc làm đó có tác động thiết thực, tạo ra động lực to lớn đối với nhân dân ta nói chung và đặc biệt đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công nói riêng trong việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn lịch sử, góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Đổi mới công tác thương binh, liệt sỹ

Đi theo đường lối do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, công tác thương binh, liệt sỹ và người có công từ khi ra đời đến nay liên tục phát triển, đổi mới. Nhiều văn bản pháp luật ưu đãi đối với người có công được ban hành, thành một hệ thống có hiệu lực thực hiện thống nhất trong cả nước, phục vụ cho yêu cầu của giai đoạn mới. Nhiều chỉ thị, nghị định, quyết định, thông tư đã được sửa đổi, bổ sung chế độ ưu đãi đối với người có công; xác nhận chính xác đối tượng người có công để họ được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định của Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền trao bằng khen cho các thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công tiêu biểu tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh: An Hiếu - TTXVN


Hiện nay, cả nước có 8,8 triệu người có công với cách mạng, trong đó có 1,5 triệu người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Đây là một cố gắng lớn của Đảng, Nhà nước trong điều kiện kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn. Sự chăm lo của Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện để các gia đình chính sách phát huy truyền thống cách mạng, phấn đấu vươn lên trong cơ chế mới. Hệ thống cơ sở sự nghiệp, trung tâm khoa học - sản xuất dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người có công từng bước được đầu tư xây dựng. Các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng luân phiên thương binh, người có công được sửa chữa, nâng cấp. Phong trào toàn dân chăm sóc, giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng không ngừng được phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Việc xã hội hóa công tác "Đền ơn đáp nghĩa" đã mang lại những thành quả lớn lao, huy động được sức mạnh của toàn xã hội, đối với việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.

Trong 5 năm qua, cả nước đã đóng góp xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa gần 1.500 tỷ đồng, xây mới trên 55.600 ngôi nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 39.000 ngôi nhà với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Cả nước hiện có 90.000 Mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đến nay, gần 6.000 Mẹ còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng tới cuối đời.

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đài liệt sỹ cũng được Nhà nước và toàn xã hội chăm lo. Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xác định danh tính liệt sỹ còn thiếu thông tin, quản lý dữ liệu thông tin hồ sơ liệt sỹ đã được Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Bộ Quốc phòng phối hợp cùng các bộ ngành liên quan triển khai xây dựng thành các dự án, đề án mang tầm quốc gia, tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội.

Bên cạnh sự quan tâm sâu sắc của Ðảng, Nhà nước và sự đùm bọc giúp đỡ của nhân dân, nhiều thương binh, thân nhân liệt sỹ và người có công với nước đã không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác, lao động sản xuất, xứng đáng là những "công dân kiểu mẫu", "gia đình cách mạng gương mẫu", là vốn quý của đất nước, là tấm gương sáng cho cộng đồng và xã hội noi theo.

Loại bỏ thiếu sót, chậm trễ trong thực hiện chính sách

Năm 2014, lần đầu tiên việc tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công được tiến hành trên toàn quốc.

Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện tổng rà soát. Kết quả bước đầu cho thấy: Tổng số đối tượng được rà soát là hơn 2 triệu người, trong đó, hơn 1,9 triệu đối tượng đã được hưởng đúng, hưởng đủ chính sách (chiếm 95,75%); số đối tượng hưởng chưa đầy đủ chính sách hơn 86 nghìn người (chiếm 4,16%); số đối tượng hưởng sai chính sách gần 1,9 nghìn người (chiếm 0,09%). Số hồ sơ kê khai xác nhận người có công còn tồn đọng ở các địa phương gần 64 nghìn trường hợp. Các trường hợp trên số đông là do chính sách bổ sung, do không còn hồ sơ, giấy tờ gốc… Việc xử lý hồ sơ tồn đọng, sớm xác nhận người có công cho những người đủ điều kiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất của các cấp, các ngành cũng là vấn đề đặt ra. Dự kiến, tháng 9/2015, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội kết quả cuộc tổng rà soát này.
Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đã và đang triển khai Đề án cải cách chế độ trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, tạo điều kiện để nâng cao mức sống người có công với cách mạng, phù hợp với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc.

Trọng tâm của công tác chăm sóc người có công đã được Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đề ra trong năm 2015 là: Tiếp tục hoàn thiện các chế độ, chính sách, đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác chăm sóc người có công; giáo dục, tạo điều kiện để thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc ý nghĩa lớn lao của việc "Đền ơn, đáp nghĩa"...

Có thể nói, làm tốt công tác đối với người có công là nhằm tạo cơ sở để duy trì sức mạnh Việt Nam. Sức mạnh của đất nước nằm ngay trong mỗi người dân với tình cảm biết ơn sâu sắc các anh hùng thương binh, liệt sỹ - những người luôn đặt lợi ích của dân tộc trên lợi ích cá nhân. Làm được điều này, Tổ quốc sẽ luôn trường tồn, bền vững...

Phúc Hằng
Nơi bình yên của những người thương binh
Nơi bình yên của những người thương binh

Khác với hình dung của chúng tôi, khung cảnh của trung tâm điều dưỡng Người có công tỉnh Bắc Giang thật bình yên với những hàng cây già trùm bóng xanh mướt, những bộ bàn ghế đá với ấm trà Thái, cùng rôm rả câu chuyện sau bữa trưa của những người thương binh nơi đây...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN