Nơi bình yên của những người thương binh

Khi chúng tôi tới Trung tâm điều dưỡng Người có công tỉnh Bắc Giang, tại huyện Tân Yên thì trời đã gần trưa. Khác với hình dung của chúng tôi, khung cảnh của trung tâm thật bình yên với những hàng cây già trùm bóng xanh mướt, những bộ bàn ghế đá với ấm trà Thái, cùng rôm rả câu chuyện sau bữa trưa của những người thương binh nơi đây...

Khuôn viên của trung tâm là nơi các thương binh và cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng gặp gỡ, chuyện trò, vấn an sức khỏe... mỗi ngày.


Sà vào một “hội trà” dưới bóng mát của cây sấu già, cùng chiêu những ngụm trà ngọt giọng, câu chuyện của chúng tôi và những người thương binh càng nói càng “ngấm”.

Anh Nguyễn Văn Tịnh, quê ở huyện Tân Yên, thương binh hạng1/4, nói đầy tự hào: “Chú về đây là đúng, chỗ này các anh 100% là thương binh”. Thấy chúng tôi có vẻ chưa hiểu, anh Tịnh giải thích: Thương binh nghĩa là bị thương trong chiến đấu. Còn bệnh binh là những người bị bệnh, tai nạn, thương tật... trong thời gian tại ngũ. 

Để minh chứng, anh Tịnh đứng dậy, kéo áo lộ ra vết thương từ ngực vắt qua vai trái; rồi vạch sườn, nơi có vết thương to, dài hơn gang tay, cùng những dấu tròn nối tiếp như những đồng xu. Anh Tịnh cho biết, theo đồng đội kể lại thì anh bị dính quả đạn B41, may không hy sinh, nhưng thương tật tới 90% cơ thể và một nửa khuôn mặt của anh biến dạng. “Chú không hình dung được đâu, chiến trường K ác liệt lắm, pháo nã chiu chíu trên đầu, có những quả trúng còn tung cả xác người lên trước mắt bọn anh. Khi chiến đấu, mình và địch thì rất gần, hai bên chỉ cách nhau có 5 - 10 m. Thường quân mình cứ hành quân khoảng 10 giờ đêm, đến 4 giờ sáng là bắt đầu vào trận. Mai phục xong, pháo sáng giật lên sáng trưng là bắt đầu trận đánh...”, anh Tịnh say sưa kể.

Cùng ngồi tại bàn trà, câu chuyện của thương binh Bùi Ngọc Sinh, quê ở huyện Quế Võ (Bắc Ninh) cũng khiến chúng tôi nghe mê mải. Nhập ngũ năm 1978, anh Sinh được phân vào chiến trường K ngay và tham gia chiến đấu liên tục đến năm 1979 thì bị thương trong một trận truy quét địch. Anh Sinh sôi nổi kể: “Bị thương cũng là do mình “máu quá”. Đồng đội vẫn đang tiến lên ở phía sau, thì mình cùng Đại đội trưởng và Trung đội trưởng đã vượt lên phía trước, rồi tụt xuống lòng suối cạn. Khi ba chúng tôi vừa tiến khỏi lòng suối cạn được 30 m, thì bỗng thấy chớp lóe lên ở phía rừng trước mặt. Tôi chỉ kịp lao về hòn đá trước mặt, rồi chẳng biết gì nữa. Sau này, anh em kể lại thì tôi dính quả đạn AT, mũ cối cháy trụi thùi lụi, băng đạn đeo quanh người thì thủng lỗ chỗ, khẩu AK gẫy đôi”. Nói rồi anh Sinh chìa đôi bàn tay cho chúng tôi xem, tay phải mất 3 ngón, tay trái mất 2 ngón giữa. Chân thì một còn lành, một giờ teo lại chỉ to bằng cánh tay...

Tập thể thao tại khu phục hồi sức chức năng của Trung tâm chăm sóc Người có công Bắc Giang.


Thương tích đầy người như thế, nhưng theo các anh kể, họ vẫn còn may mắn hơn những đồng đội khác trong trung tâm, những người dù còn sống nhưng chỉ là sống trong tình trạng bất động. Đó là anh Nguyễn Thực Khuống, quê ở phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh, bộ đội chiến trường K, bị mảnh đạn găm vào đầu, sau khi mổ sọ não, từ ngày về trung tâm này không bao giờ được mặc quần áo, giường nằm cũng phải thửa riêng với giát bằng inox. Hay bác Phạm Văn Nghĩa, thương binh chống Mỹ, cuộc sống hiện tại là sáng ngồi xe lăn, tối hạ xuống giường, chỉ nhìn mà chẳng nói được...

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng cho biết: Trung tâm được giao nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị 19 thương, bệnh binh nặng của 4 tỉnh phía Bắc, gồm: Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh và Bắc Giang; đồng thời điều dưỡng luân phiên mỗi năm trên 3.000 người có công trong tỉnh Bắc Giang. Những thương, bệnh binh được chăm sóc tại đây phần lớn không chỉ chịu những vết thương trên thân thể, mà rất nhiều người phải chịu những chấn thương về trí não, nên những khi trái nắng, trở trời, các y, bác sĩ, điều dưỡng viên phải cực kỳ khéo léo mới xử lý tốt các tình huống chăm sóc thương, bệnh binh. “Tất cả chúng tôi, từ ban giám đốc đến các y, bác sĩ, điều dưỡng viên đã xác định làm ở đây là phải luôn xem mình như người nhà của các thương, bệnh binh. Cùng ăn, luyện tập, trò chuyện, đọc sách, xem phim, dã ngoại... với anh, em, để các anh không bao giờ cảm thấy có khoảng cách, thấy mặc cảm”, ông Dũng chia sẻ.

Theo ông Dũng, số lượng người có công trong danh sách hưởng điều dưỡng chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã lên đến 26.000 người. Với cơ sở vật chất hiện tại, dù đã đầy đủ các phòng chức năng như chăm sóc, phục hồi sức khỏe, thể thao, vui chơi giải trí... nhưng cũng chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Rất may là lĩnh vực này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Ông Dũng cho biết, một trung tâm điều dưỡng mới với tổng đầu tư hơn 100 tỉ đồng đang được xây dựng tại thành phố Bắc Giang. Dự kiến khoảng quý III/2016 trung tâm mới sẽ hoàn thành và hoạt động. Khi đó, số lượng người có công được chăm sóc trên địa bàn tỉnh sẽ được nâng lên đáng kể.

Câu chuyện với Giám đốc Trung tâm điều dưỡng Người có công phải dừng lại bởi có đoàn của Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng về thăm, tặng quà các thương, bệnh binh và trung tâm nhân dịp 27/7.

Trên quãng đường ngắn từ khu điều dưỡng lên hội trường dự buổi thăm, tặng quà của Bộ Quốc phòng, anh Tịnh và anh Sinh chia sẻ, ở đây bên cạnh sự chăm sóc chu đáo, nhiệt tình của y, bác sĩ, điều dưỡng thì cái quý nhất là tình người. Quay sang anh Sinh, anh Tịnh nói: “Ở đây ông còn được ăn cơm, trò chuyện, thể thao, thư giãn... với giám đốc và các anh chị em, những chỗ khác chắc gì được thế”. Nghe bạn nói, anh Sinh cười tủm tỉm, cà nhắc cái chân bước lên hiên hội trường...

X.H
Người thương binh tiếp tục viết "Khúc quân hành"
Người thương binh tiếp tục viết "Khúc quân hành"

Kiên cường trong chiến đấu, khi trở về với cuộc sống đời thường, người cựu chiến binh ấy lại tiếp tục viết lên những "khúc quân hành” trên mặt trận xóa đói giảm nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN