Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), người từng có nhiều năm tham gia bàn thảo sửa đổi Bộ luật Lao động các lần trước đó cho rằng: Bộ luật Lao động (sửa đổi) thống nhất tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ tăng thêm 4 tháng cho đến khi đủ 60 tuổi nhằm bảo đảm tính bền vững của quỹ an sinh xã hội nói chung và quỹ hưu trí nói riêng trước thách thức già hóa dân số.
Tăng tuổi nghỉ hưu cũng là một trong những giải pháp quan trọng của quá trình đổi mới chính sách bảo hiểm xã hội, để làm sao đảm bảo cân bằng hơn giữa đóng và hưởng. “Thực tế, quá trình cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm hưu trí chúng ta đã bắt đầu thực hiện từ năm 2011 cho đến nay, với nhiều giải pháp điều chỉnh mức đóng và mức hưởng cho phù hợp.
Chẳng hạn, trước năm 2010, mức đóng của người sử dụng lao động chỉ có 11% và người lao động 5%, thì bây giờ người sử dụng lao động phải đóng trên 14% và người lao động đóng 8% vào quỹ hưu trí này. Mức đóng hiện nay cũng phải trên tổng thu nhập chứ không chỉ có tiền lương. Còn tăng tuổi nghỉ hưu thực chất là tăng thời gian đóng, về mức hưởng chúng ta cũng đang phải điều chỉnh dần.
Ví dụ, trước đây đóng 15 năm được hưởng 45%, từ năm 2018 bắt đầu quá trình điều chỉnh lên dần. Để hưởng mức tối đa thì lao động nam phải đóng đủ 30 năm và nữ là 25 năm đóng bảo hiểm xã hội thì mới được hưởng mức tối đa 75%, nếu thời gian đóng ít hơn thì không được hưởng mức tối đa đó”, ông Phạm Minh Huân chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội đánh giá, quy định tăng tuổi nghỉ hưu sẽ không gây nhiều tác động xấu đến thị trường lao động, thậm chí có dấu hiệu tích cực theo hướng tăng chất lượng lao động lên.
“Bộ luật Lao động sửa đổi lần này đã mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh đến toàn bộ lực lượng lao động nhưng trước mắt các chính sách lao động được thực hiện chủ yếu vẫn trong khu vực chính thức, khu vực nhà nước là chính, với tỷ lệ làm công hưởng lương hiện nay chiếm đến 40%. Riêng khu vực FDI được cho là không tác động nhiều vì có tỷ lệ lao động trẻ cao hơn” bà Nguyễn Thị Lan Hương nhận định.
Ở phía doanh nghiệp, theo phân tích của Hương thì ở giai đoạn đầu sẽ có những tác động nhất định nhưng sẽ chủ yếu "rơi" vào nhóm doanh nghiệp nhà nước, còn khu vực tư nhân có thể không ảnh hưởng lớn do nhiều người lao động không nghỉ hưu đúng tuổi. Về mặt lý thuyết, trong thời gian ngắn hạn từ 3 – 5 năm, doanh nghiệp có thể chịu tác động do chưa chuẩn bị kịp, nhưng chúng ta có thể giảm tác động của việc tăng tuổi hưu bằng cách thông báo trước khi áp dụng vào năm 2021. Kinh nghiệm của nhiều nước khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đều phải làm như vậy.
Người lao động hiện nay có thể làm việc ở rất nhiều nơi, nhiều công việc, thậm chí vừa làm chủ vừa làm thợ, quá trình dịch chuyển lao động cũng diễn ra linh hoạt. Do đó, đi liền với tăng tuổi nghỉ hưu cần có những chính sách sử dụng lao động hiệu quả.