Theo đó, 10 doanh nghiệp gồm có: Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bạch Đằng TMC, Công ty TNHH MTV Cơ khí - Điện - Điện tử Tàu thủy, Công ty Cổ phần XNK Tạp phẩm, Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây dựng Bắc Bộ, Công ty Cổ phần Đầu tư Thiết bị và Xây dựng Hồng Hà, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng công trình Đại An, Công ty Cổ phần Đầu tư- Xây dựng và Thương mại Thăng Long, Công ty Cổ phần Kỹ thuật Đại cơ Việt Nam, Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Đầu tư Tài Chính Việt Tín. Tổng số tiền 10 doanh nghiệp nợ BHXH lên tới trên 22 tỷ đồng, kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng trăm lao động.
Đặc biệt, các doanh nghiệp này đều đã bị Bộ LĐ-TB&XH, UBND Thành phố hoặc BHXH thành phố Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính nhưng hầu hết các doanh nghiệp không nộp tiền xử phạt, không đóng hoặc chậm đóng tiền nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm (BH) thất nghiệp.
Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết: Dù BHXH thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp đôn đốc thu nợ, trong đó có việc xử phạt vi phạm hành chính nhưng 10 doanh nghiệp nói trên vẫn chưa thực hiện nghiêm túc cam kết về lộ trình trả nợ và khắc phục số nợ theo kết luận thanh tra. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tái phạm để nợ kéo dài, dẫn đến số tiền nợ đọng, chậm đóng BHXH tăng thêm. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự, Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 214 về tội gian lận BHXH, Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự, 10 doanh nghiệp nói trên đã có dấu hiệu phạm tội.